Ở cái tuổi 18, người ta thường hay cường điệu nỗi buồn, giống như kiểu: “Hôm nay trời nhẹ lên cao / Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Buồn vu vơ, buồn chẳng lí do. Confnos thì chẳng có thời gian để buồn. Hay nói cách khác, nó giấu nỗi buồn điển hình đó vào sở thích của riêng mình: Xem bóng đá!
Nó không biết lí do tại sao mình yêu bóng đá đến nỗi không ít lần bùng học ở nhà xem FC của mình. Chắc do sống trong một gia đình đều hâm mộ bóng đá. Bà ngoại nó thì thích “Chè xanh” (Chelsea), bố nó, em trai nó và nó đều là “fan ruột” của “Quỷ đỏ”. Nghỉ học thêm cũng tiếc lắm chứ, không được gặp “cạ”, không được cãi nhau với thằng fan đội khác, không được chém gió với bạn bè… Đấy, bỏ lỡ bao nhiêu việc quan trọng như thế thì ai chả tiếc! Nhưng thôi, Euro hay World Cup 4 năm mới có 1 lần, còn thi Đại học thì…năm nào chả có!
Nó nhớ như in, năm nó 10 tuổi, lần đầu tiên trong cuộc đời nó nhìn thấy ông tiên bước ra từ câu chuyện cổ tích. Đúng, vị đại tiên! Vì chỉ có tiên mới huấn luyện được đội bóng đứng thứ 21/22 năm 1986 mà lại giành được 13 chức vô địch Ngoại hạng Anh, 5 League Cúp, 2 Cup C1… sau đó. Chỉ có tiên mới có nụ cười hiền hậu, ánh mắt trìu mến đến vậy. Đó là Sir Alex Ferguson - huấn luyện viên của đội bóng toàn những “Chú quỷ đỏ” của nửa thành phố Manchester – Manchester United !
Nó yêu quý bóng đá từ ngày đó – ngày MU thắng Everton 3-1. Tình yêu đó lớn dần thêm rồi bền vững hơn theo năm tháng, yêu lại càng yêu. Bóng đá MU là một phần cuộc sống của nó, như cơm ăn nước uống, bài vở hàng ngày.
Nó khâm phục Sir Alex – huấn luyện viên của mọi thời đại. Sir đã biến Paul In – 1 chàng ship sữa trở thành tiền vệ xuất sắc nhất, biến Bechkham – 1 cầu thủ chỉ biết tạt trở thành huyền thoại, biến C.Ronaldo rườm rà trở thành siêu sao bóng đá thế giới, biến Van Dersa – 1 thủ môn bên kia sự nghiệp trở thành huyền thoại. Nó ngưỡng mộ Wayne Rooney – người làm nền vĩ đại cho bóng đá Anh quốc. Nó yêu thích David De Gea – người hùng cứu thua cho cả team và là người đứng sau những thành công của đồng đội cũng như đội bóng.
Người ta nói, con gái xem bóng đá chỉ là “fan phong trào”, thắng thì xem, thua thì chỉ trích. Nó biết nó không thế. Yêu bóng đá làm cho nó yêu hơn cuộc sống tẻ nhạt như ba điểm thẳng hàng: Nhà – trường học – lớp học thêm.. Nó biết vui mừng phấn khời khi MU thắng trận, nâng cao chiếc Cup duy nhất còn thiếu Europa League, khi Futsal Việt Nam làm nên lịch sử ở đấu trường bóng đá thế giới. Nó tự hào là người Việt Nam khi U19 Việt Nam là đội bóng Đông Nam Á đầu tiên góp mặt và có điểm ở đấu trường U20 World Cup. Nó biết hồi hộp đến nghẹt thở khi theo dõi từng đường bóng Xuân Trường chuyền cho đồng đội. Yêu càng nhiều nỗi thất vọng càng lớn khi MU bỏ lỡ cơ hội vô địch vì hòa 2 trận, nới dài khoàng cách với Man City. Rồi nó òa khóc thật sự khi Việt Nam bị loại khỏi Sea Games, khi Xuân Trường – Công Phượng nức nở rời sân, khi HLV Hữu Thắng từ chức, khi cả nước chỉ trích Phí Minh Long và gần như quay lưng với đội tuyển. Tình yêu bóng đá là biểu hiện của tình yêu đất nước. Nó rút ra một điều rằng: Tình yêu lứa đôi còn có thể mang đến sự phản bội, chứ bóng đá thì làm gì có điều này.
Thiên hạ bĩu môi khi con gái thích bóng đá. Thiên hạ bảo, “Úi giời, biết gì mà xem – toàn ngắm mấy anh quần đùi áo số chứ bóng bánh gì?”. Nó muốn gân cổ cãi lại thiên hạ rằng: “Ngắm các cầu thủ nam tính là biểu hiện của sự trân trọng cái đẹp, đề cao cái đẹp – cái đẹp tài năng, cái đẹp ngoại hình, cái đẹp tư cách của họ thì có gì sai?”. Con gái đã không xem thì thôi, một khi đã xem thì mê hơn con trai.
Yêu bóng đá làm nó học Văn tốt hơn, cái mạnh mẽ của bóng đá làm cho giọng Văn nghị luận của nó sắc sảo hơn, linh hoạt thêm. Tính “fairplay” giúp nó có cái nhìn toàn diện về cuộc sống, rằng cuộc sống là các mảng hài hòa giữa thiện và ác, đẹp và xấu, hạnh phúc và khổ đau, buồn vui và thất vọng. Nhưng chỉ cần ta sống chân chính như Van Persie, làm nhiều việc thiện như Beckham, chơi đẹp như Roy Keane thì hạnh phúc và sự suôn sẻ sẽ đến với chúng ta.
Dù có yêu đội bóng như thế nhưng nó vẫn cay đắng nhận ra MU không còn như xưa, kể từ chức vô địch Ngoại hạng Anh năm 2013 – năm cuối cùng dưới triều đại Sir Alex. Lần lượt Davis Moyces rồi Luis Van Gaal đến để đánh đổ công trình của Cha. Các hợp đồng không còn giá trị, MU mất dần vị trí trên thị trường chuyển nhượng. Nhưng bây giờ, MU đang trở lại và lợi hại như xưa dưới triều đại của Mourinho. Tất cả đều cần thời gian, người hâm mộ luôn bên cạnh và cổ vũ cho đội bóng dù thắng hay thua. Đó mới là fan chân chính với tinh yêu chân chính.
Sự thăng trầm của đội bóng cũng giống như những khó khăn mà con người sẽ phải trải qua. Ở đời không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, quan trọng là ta có đủ sức để vượt qua những ranh giới đó hay không thôi. MU đã vượt lên trên sự đổ nát của những HLV bất tài thay thế Sir để lại, đang trên con đường nhuộm đỏ trời Âu. Con người cũng vậy, phải vượt qua nỗi buồn thất bại và chứng minh được giá trị của mình, đó mới là nhà vô địch đích thực. “Trong bóng đá, đôi khi phải giơ tay thừa nhận đối thủ giỏi hơn mình” (Sir). Biết thừa nhận thành công của người khác cũng như nhận ra sai lầm của mình là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công.
Những triết lí bóng đá của Sir là châm ngôn sống của nó. Nó tự hào là fan của FC vĩ đại nhất thế giới. Nó biết phải rất lâu nữa MU mới có thể trở lại thời hoàng kim như ngày xưa nhưng nó và những fan MU khác sẽ chờ….chờ đến ngày MU thắng liên hoàn, bao hạnh phúc ngập tràn, Old Trafford vang lên bài ca vô địch. Nó và Manucians nói chung, những “fan girls” nói riêng mãi mãi giữ trong mình tình yêu với bóng đá. Nó muốn nói với mọi người rằng: Không quan trọng là nam hay nữ, già hay trẻ, giàu hay nghèo, chỉ cần trong tim bạn luôn giữ một góc dành cho bóng đá thì cuộc sống của bạn luôn tràn đầy sắc màu !
Vent Manucians