Buổi sáng ở Hà Nội

Buổi sáng ở Hà Nội

01/06/2021

Mục lục

Hà Nội, ngày … tháng … năm…

1.Hà Nội trong tôi ...

Hết tuần. Câu mà tôi hay tự nói với bản thân mình vào ngày cuối trong tuần, để trí nhớ kém cỏi của mình nhớ đc rằng, hôm đó là ngày nghỉ chứ không phải ngày của học tập hay công việc.

 

Cuối tuần, tòa nhà nơi tôi ở im ắng lạ thường. Tôi đã quen với một Hà Nội ồn ào, náo nhiệt, nên không gian tĩnh lặng hiếm thấy này làm tôi có chút sững sờ, thậm chí còn len lỏi chút ít lẻ loi, vì hình như chỉ có một mình mình ra đường buổi sớm.

  Bác bảo vệ nhìn tôi lạ lùng khi tôi hỏi: “Mọi người đâu hết rồi bác, sao cháu thấy trống vắng quá ?”. “Mọi người về quê hết rồi, chiều lại lên thì đông vui như thường...”. Ừ nhỉ, nay là cuối tuần mà,  bạn bè và đồng nghiệp, bây giờ là những người sống trong một tòa nhà đều về quê hết rồi, có mỗi tôi  - một con bé sinh viên năm nhất hơn 1 tháng chưa về nhà là ở lại.

Lí do: “Con bận quá !”

Tôi ra ngoài lúc mặt trời còn chưa sẵn sàng nói “Ready!”, vài tia nắng nhanh nhảu dậy trước, chiếu ánh sáng mong manh qua tầng mây dày, xuyên qua làn sương mờ mờ vào buổi sớm đầu thu. Chưa bao giờ tôi thấy bình yên thế này. À không, phải nói là chưa bao giờ tôi thấy Hà Nội và bản thân tôi nằm trong đó bình yên đến vậy.

Hà Nội cuối tuần ít xe hơn hẳn, con người ta cũng không phải đua nhau vì cơm áo gạo tiền, mà cứ bình thản, từ từ mà chạy, chẳng phải giành đường của nhau như mỗi sáng thứ 2 đầu tuần. Một người bạn của tôi, khi miêu tả về giao thông Hà Nội vào giờ cao điểm đã lém lỉnh nói: “Nếu ai đó không biết như nào là nghệ thuật “điền vào chỗ trống”, hay tất cả những trò mạo hiểm trên thế giới đều chưa làm bản thân thỏa mãn, thì hãy đến ngay Hà Nội và tham gia giao thông ở đây...”.

Tôi bật cười khi nhớ lại lời cậu ấy, chắc hẳn cậu ấy chưa chứng kiến những giây phút thanh bình hiếm có của chốn phồn hoa đô hội.

 

Vẫn là sân vận động của những ngày tôi đi ngang qua vội vã, những ngày tôi tập luyện chạy bền để có thể thoát khỏi nỗi ám ảnh trượt môn thể chất, vậy nhưng hôm nay tự nhiên nó đẹp một cách lạ thường. Một vài người cao tuổi, giống như bà ngoại tôi đang tập dưỡng sinh, bác lao công một đêm đã xong lên xe về nhà tìm vào giấc ngủ, hàng và quán đang bày ra bán cùng các gánh hàng rong, nào là cafe, nào là phở – bún ăn sáng, nào là bánh mì, và nhiều thứ khác nữa. Những lời mời gọi nghe thật vui tai, nó chắc hẳn đã in sâu vào trong kí ức của những người Hà Nội rồi!

 

Rồi gió thổi lá tránh xa, nhường chỗ cho nắng rơi xuống đường, xuyên qua tán cây, xuyên qua ô cửa số để đánh thức những ai đang còn chưa nỡ từ bỏ giấc mơ đẹp, và bắt đầu ngày mới.

 

Tôi chọn cho mình một hàng bánh cuốn nóng ở cuối con đường, chọn chỗ ngồi đẹp nhất để ngắm nhìn sự thức dậy của thành phố, hàng bánh cuốn nóng bình dân góc phố những cái tình, cái nghĩa trong món ăn thì không hề bình dân chút nào. Tôi thấy một cụ ông tầm tuổi ông nội tôi, ngồi xuống cạnh mình, trên tay cầm một tờ báo giấy.

 Tôi giật mình, đã từ bao giờ tôi đánh rơi những hình ảnh của người đọc cầm tờ báo giấy vào những trang báo mạng đọc nhanh – gọn – nhẹ trên những chiếc smartphone đắt tiền ? Một hình ảnh rất đỗi giản dị nhưng đủ làm những người làm báo như tôi giật mình, bần thần nhận ra những vấn đề của văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn của người Việt Nam hiện nay. Ông cụ quay sang tôi cười hiền, đôi mắt mờ đục sau cặp kính lão vui lên trông thấy, ông hỏi tôi như đang nói chuyện với một người lạ mà quen thân từ lâu: “Cháu lạ lắm à? Sáng nào ông cũng đọc báo như này, nhà ông chẳng có ai đọc báo mấy, chúng nó toàn điện thoại thôi ...”.

 

Câu nói của một ông cụ ngoài 80 tuổi đã đánh thức một góc nào đó trong tâm trí tôi mà tôi chẳng thể nào gọi tên. Tôi bỗng tự hỏi mình: “Bấy lâu nay, tôi viết báo để làm gì?”

2. “ Bấy lâu nay tôi viết báo để làm gì?”

Ông bảo, thú vui của người già giờ chỉ có đọc báo bằng đôi mắt kèm nhèm, và thi thoảng đánh cờ, câu cá thế thôi. Già rồi, làm sao chạy kịp theo những dòng xe ngoài kia. Già rồi, chỉ muốn gần con gần cháu, làm được thêm việc có ích nào thì tốt chút đó, coi như tích đức cho con cháu sau này. Những lời ông nói khá gẫy gọn và rõ ràng so với tuổi của ông. Lòng tôi chợt bồi hồi, thành phố này đúng là đẹp thật, đẹp một cách tự nhiên và trọn vẹn ở từng góc cạnh. Vẻ đẹp tự trong những điều bình dị nhất mà thường ngày vội vã đi lướt qua nhau chứ tôi có nhận ra đâu. Điều đó làm tôi thấy ngày nghỉ của mình có ý nghĩa hơn, yêu cuộc sống này hơn và ước gì đâu đó vẫn còn những con người trân trọng tờ báo giấy giữa thời đại công nghệ, những con người tìm kiếm sự tĩnh lặng trong tâm hồn bằng sự tinh tế và trải đời của mình.

 

Tôi tạm biệt ông cụ bằng cái bắt tay thật chặt như muốn níu giữ lại chút ít cổ xưa giữa cuộc sống hiện đại. Cuộc sống mà, bất cứ ai ta gặp trên đường đều có thể đem lại cho ta ít nhiều sự để tâm, hay ít nhiều bài học cuộc sống nếu như ta có óc quan sát, cởi mở với họ và đủ kiên nhẫn nghe họ nói.

 

Bất giác, tôi mỉm cười. Đâu cứ phải có lí do thì mới cười.

Tôi nhớ đến một câu nói của người Châu Âu , hài hước mà sâu sắc: “Hãy cười khi còn răng”. Chắc đó là lí do tại sao mà bất cứ người ngoại quốc nào tôi gặp, họ đều niềm nở cố chào bằng tiếng Việt kèm theo cái vỗ vai thân thiện như người quen. Và tôi nhận ra, phố xá xung quanh mình, bằng một phép màu nào đó bỗng trở nên đẹp lung linh trong mắt tôi, đẹp hiện đại mà lại hài hòa, đẹp bình dị mà sang trọng, một nét đẹp tưởng chừng như phổ thông mà lại không trộn lẫn. Sở dĩ, không có phép màu nào cả. Hà Nội vẫn là Hà Nội mà thôi. Đó là do tâm trạng của con người khi ngắm nhìn cảnh vật sẽ ảnh hưởng đến vẻ đẹp của cảnh vật đó trong mắt mình.

 

Chắc chắn, một dịp nào đó, tôi sẽ giúp người bạn của mình nhận ra Hà Nội không chỉ xô bồ, bon chen như cậu ấy nghĩ… Vào một buổi sáng cuối tuần như này chẳng hạn !

 

Vậy đó, buổi sáng của tôi đã quá tuyệt vời rồi. Thành phố này luôn dịu dàng, chỉ cần bạn mở lòng và sống tốt thì sẽ hết cô đơn thôi. Hà Nội, luôn dịu dàng với những tâm hồn đẹp.

 

Vanesa

 

 

Bài viết liên quan

zalo
messenger