Giữa mênh mông thương nhớ, giữa bộn bề cuộc sống, giữa ấm lạnh của dòng đời, có những điều nhỏ bé, bình dị mà thiêng liêng nâng đỡ tâm hồn ta những lúc yếu lòng, để ta yêu hơn, thương hơn cuộc sống này, truyền cho ta năng lượng để sống tiếp, cố gắng hơn trên con đường lập nghiệp.
Với tôi, đó là những bữa cơm nhà mộc mạc nhưng đong đầy cảm xúc.
Đó là cơm nhà, không phải sơn hào hải vị trong nhà hàng, khách sạn hạng sang.
Đó là cơm nhà, không phải đồ ăn nhanh ở những quán ven đường hay trong canteen trường học.
Đó là cơm nhà, một loại ẩm thực bình dị quen thuộc nhưng cũng rất đặc biệt.
Từ ngày bé xíu mới vào lớp 1 cho đến khi học hết phổ thông, tôi luôn có một định hình trong đầu như một con đường mòn: “Một ngày có ba bữa sáng, trưa, tối, dù đi học hay đi chơi thì cũng không được quên về nhà ăn cơm”. Cũng ngần ấy thời gian, mẹ luôn thức dậy trước tôi, chuẩn bị bữa sáng cho hai đứa con, để con được ấm bụng trước khi ra khỏi nhà. Chúng tôi vô tư đón nhận mà không biết sau đó mẹ sẽ ăn gì, mấy giờ mẹ đi làm, hay sáng hôm đó mẹ được nghỉ mà vẫn dậy sớm như vậy để nấu cho con ăn.
Khác với bạn bè có thể tùy thích ăn ở đâu, mẹ luôn dạy tôi: “Cho con 10 – 20 nghìn ăn sáng mẹ không tiếc, nhưng ăn ngoài không đảm bảo vệ sinh, ăn ở nhà vẫn là ngon và an toàn nhất”. Vậy mà, nhiều bữa sáng cũng chẳng yên lành bởi những cãi vã không đâu của hai chị em, của những lần vùng vằng chẳng lí do với mẹ, mẹ đã không biết bao nhiêu lần phải buồn vì những buổi sáng như thế. Nhiều lúc ngồi nghĩ lại mà không thể hiểu nổi mình lúc đó. Bữa cơm khi ấy dường như trầm hơn, không khí gia đình cũng ngột ngạt hơn mọi ngày.
Bữa cơm bà, mẹ nấu không có cao lương mĩ vị, chỉ có thức ăn quê đạm bạc, dân dã mà sao ngon đến vậy. Mùa hè đến có bát canh rau muống luộc vắt chanh, húp vào mát lạnh, xua tan đi cái nóng nực oi ả, thổi bay những mệt mỏi căng thẳng vì học hành, thi cử. Thu sang, mùi chả nem thơm lừng một gian bếp quyện vào làn sương mờ “chùng chình qua ngõ”, như đang giục những bước chân vội vã hơn để trở về nhà cho kịp bữa tối. Đông gõ cửa, cái lạnh giá đến cắt da cắt thịt cũng chẳng thể làm không khí gia đình chiều thứ bảy lạnh theo, mà ngược lại còn tăng thêm sự ấm áp quây quần như “trêu ngươi” cơn gió ngoài kia. Vòng đi vòng lại, tết đến xuân về, những món ăn truyền thống của dân tộc như bánh chưng – bánh dày, giò, chả,… lại có mặt trên mâm cơm của mỗi gia đình. Mọi người cùng nhau ôn lại chuyện năm cũ và hướng đến năm mới tốt đẹp hơn.
Cơm nhà gắn liền với sự chờ đợi, nhớ mong của em dành cho chị, của mẹ dành cho bố, của bà dành cho con cháu. Cấp 3, tuần 3 buổi tối học thêm đén 7,8 giờ mới về, 5 buổi 5 tiết/6 ngày đi học nhưng mẹ, bà , và cả em trai đều chờ tôi về ăn cơm. Cảm giác có người chờ mình về ăn cơm thật hạnh phúc. Đi học về không bao giờ la cà, vì chỉ về muộn một chút thôi là mẹ sẽ lo, em sẽ ngóng. Bạn ạ, hạnh phúc chỉ đơn giản vậy thôi mà không phải ai cũng có được. Lên đại học, sống ở thành phố cách nhà 3 tiếng ô tô, có về nhà cũng chỉ kịp nói dăm ba câu rồi lại rời nhà đi tiếp, đến một bữa cơm đôi khi cũng chẳng kịp ăn. Deadline công việc, bài vở chồng chất, những mối quan hệ khác cuốn tôi đi khỏi những bữa cơm quây quần mà tôi đã từng rất trân trọng. Cho đến một ngày, tôi thấy mặt mình cay xè, dòng nước mắt không kịp ngăn lại làm mắt tôi nhòe đi chỉ vì đi lướt qua một gia đình nhỏ vào giờ bữa cơm chiều, mùi thịt kho tàu của bữa tối quẩn quanh tôi. Tôi nhớ cơm nhà…
Đến bữa ăn, khi thiếu một thành viên nào, mọi người đều nhắc nhở hỏi thăm. Cơm nhà khác cơm khách sạn, hàng quán ở chỗ đó. Dù những nơi đó sang trọng hơn, đẹp đẽ hơn nhưng tại gia đình, trong khung cảnh sống quen thuộc lại tạo nên sự ấm cúng đặc biệt. Hạnh phúc gia đình được xây dựng từ tình yêu thương vô điều kiện, từ những bữa cơm êm ấm là hạnh phúc bền vững nhất.
Về nhà với mẹ, xem bóng đá cùng gia đình, sẽ chẳng còn những gánh nặng lo toan ngoài cuộc sống. Về nhà, ăn cơm bà, mẹ nấu, sẽ chẳng còn những bon chen, toan tính trên đường đời. Về nhà, tha hồ được kể cho mẹ nghe về chuyện học tập, chuyện công việc, chuyện xã hội… Cơm nhà, như lời bố nói: “Chẳng cơm đâu ngon bằng cơm nhà. Cứ về nhà, ăn cơm vợ nấu, được mặc quần đùi áo may ô, không phải câu nệ giáo điều là tuyệt nhất!”. Mẹ nghe thấy hẳn sẽ hạnh phúc lắm.
Như bao gia đình khác, đâu phải gia đình tôi lúc nào cũng yên ấm đâu, cũng có những cãi vã, giận hờn giữa chị với em, mẹ với con, rồi chị với em “cạch xít” nhau, bố quay lưng vào mẹ, mẹ quay lưng vào con. Nhưng điều quan trọng là tất cả đều lùi vào sau lưng nhờ những bữa cơm nhà gắn kết. Lòng vị tha, tình yêu thương bao la vô điều kiện của bố mẹ đã góp thêm tiếng cười vào bữa ăn. Đồng thời qua đó, bố mẹ cũng dạy hai chị em phải biết nhường nhịn, có miếng gì ngon cần chú ý nhường cho người khác, không giành lấy ăn hết. Đó là cách giáo dục thiết thực, cụ thể, đời thường mà rất hữu dụng. San sẻ vui thú hay khổ đau giữa anh em trong gia đình rồi sau đó lan tỏa rộng ra ngoài xã hội, cộng đồng.
Thật tiếc là trong xã hội hiện nay, cuộc sống hiện đại xô bồ, náo nhiệt quá đôi khi làm con người đánh rơi những điều bé nhỏ mà thiêng liêng. Đường ai nấy đi, việc ai nấy làm, ranh giới giữa trẻ con và người lớn ngày càng một sâu hơn, rộng ra. Trẻ con đi học về là đóng chặt cửa phòng, một mình một thế giới. Còn người lớn, đôi khi chỉ cần một chiếc điện thoại, một chiếc laptop hay máy nghe nhạc là có thể tách biệt hoàn toàn với thế giới xung quanh. Những bữa cơm gia đình ngày một thưa thớt thành viên với lí do muôn thuở “bận công việc”. Phải chăng con người đang dần bị cầm tù trong sự cô đơn ngay giữa sự bận rộn, náo nhiệt của cuộc sống? Rồi sẽ có một ngày họ cay đắng nhận ra, lâu lắm rồi họ chưa được ăn cơm nhà.
Viết những dòng này khi trời Hà Nội đang xám xịt, gió mùa đông bắc cuối thu đầu đông bắt đầu hỏi thăm, hình như hơi sớm so với mọi năm. Tôi vừa trở về từ tòa soạn, bước chân xuống đường chợt so vai lại trong chiếc áo khoác gió mỏng tanh vì gió thổi bất ngờ. Tôi sợ tôi đang dần trở thành con người như họ, những con người tôi vừa mới viết trên kia, tôi sợ, rất sợ, một nỗi sợ vừa vô hình, vừa hiện hữu ngay trước mắt. Tôi sợ tôi và những người xung quanh tôi sẽ đi lạc, lạc vào những thú vui tật xấu ở đời, lạc giữa thời đại công nghệ do chính chúng tôi tạo ra mà quên mất khẩu vị cơm nhà. Ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai? Tôi trân trọng những kỉ niệm trong quá khứ, những khoảnh khắc đầm ấm bên gia đình mà nuối tiếc cho hiện tại bận rộn. Nhưng tôi tự hào. Tôi nhớ lại chúng và cảm thấy tự hào, thấy hạnh phúc biết bao vì mình đã có tuổi thơ đẹp như thế bên gia đình, gắn liền với những bữa cơm nhà.
Cơm nhà chứa đựng những giá trị tinh thần, tình cảm sâu sắc. Đó là tình cảm của người con xa xứ nhớ về quê hương, là sự mong ngóng cảu người mẹ đối với đứa con đi học xa nhà, là con đường dẫn đến tình yêu ngắn nhất mà bền vững nhất. Đó cũng là sự quan tâm đến tâm trạng vui buồn của mỗi cá nhân, là vun đắp những mối quan hệ tình cảm giữa các thành viên. Chẳng xa vời hay cao sang, đó chính là bản chất thật sự của hạnh phúc !
Ngồi đón gió và lướt Facebook, thấy dòng tâm trạng chất chứa bao cảm xúc của một người anh, cũng là một người bạn giữa xứ sở bạch dương trắng tuyết:
“Có bước chân đường xa đó
Có bước chân trở về...”
Cào Cào