Tiết kiệm thời gian, chi phí
Theo lãnh đạo của Metro Hà Nội, tàu Cát Linh - Hà Đông có tổng cộng 13 đoàn tàu hoạt động liên tục với vận tốc tối đa lên tới 80km/h. Vận tốc khai thác là 35km/h. Nếu đi toàn tuyến từ điểm đầu (ga Cát Linh) tới điểm cuối (ga Yên Nghĩa) sẽ chỉ mất có 23,63 phút.
Tàu đi qua 12 nhà ga: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, Yên Nghĩa. Cứ 10 phút lại có một chuyến tàu. Vào khung giờ cao điểm được đẩy lên 6 phút/ chuyến với sức chở gần 1000 người/ đoàn. Với vận tốc và tần suất như thế này, mỗi chuyến đi sẽ được rút ngắn lại rất nhiều giúp người dân tiết kiệm được tối đa thời gian di chuyển. Hành trình đi học, đi làm của học sinh sinh viên và dân công sở trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông đã chính thức đi vào hoạt động sau 10 năm khởi công
Sử dụng tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Giá tàu cũng chỉ ngang tầm giá của xe bus, giá vé mở cửa là 7000 đồng, mỗi km tiếp theo tính theo 600 đồng nên giá vé cụ thể:
- Giá vé ngày là 8000 đồng/ lượt/ trạm
- Giá 15.000 đồng toàn tuyến
- Giá 30.000 đồng/ ngày không giới hạn số lượt đi
- Giá vé tháng cho đối tượng được hỗ trợ (học sinh, sinh viên): 100.000 đồng/ 30 ngày (tính đủ 30 ngày kể từ ngày dán vé, không tính theo đầu tháng).
- Giá vé tháng cho các đối tượng bình thường: 200.000 đồng/ 30 ngày
- Các đối tượng được miễn phí đi phương tiện công cộng cũng sẽ được đi tàu miễn phí.
Sử dụng tàu điện trên cao giúp bảo vệ môi trường
Hà Nội đang là một thành phố có tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí cực kỳ nghiêm trọng. Một vài năm gần đây, sáng sớm Hà Nội thường xuất hiện những lớp bụi dày đặc cùng với sương mù. Không chỉ làm khuất tầm nhìn, với lượng bụi mịn ở mức cảnh báo cao, không khí tại Hà Nội sẽ gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của mọi người, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em.
Tàu Cát Linh - Hà Đông không chạy bằng xăng hay dầu mà chạy bằng điện nên sẽ cực kỳ bảo vệ môi trường, đặc biệt phù hợp sử dụng ở những đô thị đông đúc như Hà Nội. Và việc người dân giảm sử dụng các phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô và sử dụng tàu điện trên cao, xe bus điện,… sẽ giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ môi trường của Thủ đô.
Sử dụng tàu điện trên cao là một cách giúp bảo vệ môi trường
Tàu điện trên cao được trang bị 2 nguồn cung cấp điện độc lập và dự phòng lẫn nhau. Nếu trong trường hợp tàu đang chạy mà cả hai nguồn điện đều bị mất thì tài sẽ tự động dừng lại, đồng thời kích hoạt hệ thống hãm khí nén khẩn cấp. Vì vậy, các thiết bị như đèn báo tín hiệu, cửa khoang tàu, hệ thống điều khiển, thông gió,… vẫn sẽ hoạt động bình thường trong 30 - 45 phút để chờ cứu hộ. Vì thế, hành khách trên tàu vẫn luôn đảm bảo an toàn.
An toàn, phù hợp với nhiều đối tượng
Đây là tàu đường sắt trên cao và chạy theo đường ray cố định, không có sự chen lấn của các phương tiện khác như ô tô, xe máy hay xe bus nên không chỉ nhanh mà còn an toàn. Tất cả các đối tượng đều có thể sử dụng được tàu cao tốc trên cao.
Tàu đi với vận tốc nhanh nhưng theo đánh giá của những hành khách đã từng trải nghiệm trong 15 ngày miễn phí thì tàu vận hành khá êm ái, mát mẻ. Đặc biệt tránh được tình trạng khói bụi, chen lấn, tắc đường, tai nạn.
Trên trục đường ray của tàu, phía dưới các trục đường quốc lộ có rất nhiều tuyến xe bus chạy qua (gồm cả bus nội đô và bus liên tỉnh), thuận tiện cho việc kết nối di chuyển của người dân.
Nâng tầm hệ thống giao thông công cộng trong nước
Thời gian hoàn thành và chính thức đi vào vận hành của tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông là 10 năm. Nhưng từ trước đó và trong khoảng thời gian xây dựng tàu tại Việt Nam thì ở nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng như trong khu vực người dân đã sử dụng loại hình giao thông này từ khá lâu. Không cần nói xa xôi tới những quốc gia phát triển như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,.. ngay tại đất nước Thái Lan cùng trong khu vực Đông Nam Á đã xây dựng tàu cao tốc trên cao từ năm 1999.
Nhưng dù vậy, việc xây dựng thành công tuyến đường sắt trên cao này cũng đã giúp nâng tầm hệ thống công cộng của nước ta trở nên hiện đại hơn, sánh được với các quốc gia phát triển trong cùng khu vực và thế giới. Khẳng định được sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tàu cao tốc trên cao của Việt Nam được xây dựng khá hiện đại và có tính thẩm mỹ cao. Nếu đã có dịp trải nghiệm thử tàu trong 15 ngày miễn phí đầu tiên vừa qua chắc chắn nhiều hành khách cũng đã cảm nhận được sự hiện đại, tiện nghi của hệ thống tàu. Hệ thống thang lên xuống tại các nhà ga ngoài xây dựng thang bộ còn được lắp đặt cả thang cuốn để tại lợi cho việc di chuyển của hành khách, đặc biệt là những người khuyết tật. Các nhà ga cũng được thiết kế phù hợp với kiểu thời tiết nhiệt đới của Việt Nam, thiết kế dạng mái vòm nhưng không che hết nhà ga giúp đáp ứng được tiêu chí thoáng mát vào mùa hè nhưng vẫn che chắn mưa nắng cực tốt. Bên trong nhà ga có quầy bán vé và nhân viên phục vụ tại nhà ga vô cùng lịch sự, chuyên nghiệp.
Tuyến đường sắt trên cao này cũng đã giúp nâng tầm hệ thống công cộng của nước ta trở nên hiện đại hơn
Với những bạn trẻ đam mê sống ảo thì chỉ cần đến một nhà ga chờ bất kỳ bạn cũng sẽ mang về cho mình một bộ ảnh vô cùng xịn sò và không hề kém cạnh những album ảnh chụp tại nhà ga tàu của nước ngoài thường thấy trên mạng.
Tàu cao tốc trên cao Cát Linh - Hà Đông góp phần phát triển du lịch
Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam nên lượng khách du lịch tới đây mỗi năm là vô cùng lớn. Hệ thống giao thông của mỗi quốc gia là khác nhau nên việc di chuyển cũng là một vấn đề nan giải đối với nhiều khách du lịch.
Ngoài các cách di chuyển như thuê taxi, grab, xe ôm truyền thống, tài xế lái hộ,… thì các phương tiện công cộng chính là lựa chọn tốt nhất đối với họ. Với việc ra đời của hệ thống tàu Cát Linh - Hà Đông, khách du lịch sẽ dễ dàng di chuyển tới các địa điểm tham quan trong Thủ đô. Vừa giúp đảm bảo an toàn lại tiện dụng. Với những vị khách có thời gian lưu trú, du lịch ngắn ngày thì nên sử dụng hình thức di chuyển bằng vé lượt khi cần di chuyển tới 2 điểm trở lên/ ngày để tiết kiệm được chi phí.
Và chắc chắn rằng không thể phủ nhận được sự phát triển của giao thông sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nhiều lĩnh vực khác nhau như: du lịch, kinh tế,…
Lời kết
Nhìn chung, với những lợi ích trên của tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông thì việc phải bỏ ra 10 năm chờ đợi cũng xứng đáng. Làm giảm được tình trạng quá tải của xe bus, giảm tình trạng tắc đường, giảm ô nhiễm, kích thích người dân sử dụng các phương tiện công cộng nhiều hơn cũng đã là một thành công lớn. tNếu có thể, bạn cũng hãy sử dụng loại hình di chuyển này nhiều hơn để vừa an toàn lại nâng cao sức khỏe nhé!