Hà Nội kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan xây dựng và báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quy định về đăng ký xe, trong đó phải có tài khoản được mở tại ngân hàng và có giấy phép lái xe phù hợp để khấu trừ vào tài khoản ngân hàng đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được xử lý bằng hình thức phạt "nguội".
Có thể xử phạt vi phạm giao thông qua tài khoản ngân hàng Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố giảm trong các năm qua. Cụ thể, số điểm ùn tắc giao thông năm 2010 là 124 điểm, năm 2011 còn 78 điểm, năm 2012 còn 67 điểm, năm 2013 còn 49 điểm, năm 2014 còn 46 điểm, năm 2015 còn 44 điểm, năm 2016 chỉ là 41 điểm.
Trong năm 2017, số điểm, nút thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm còn lại 37 điểm. Các tháng đầu năm 2018, thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và các ngành tập trung xử lý các điểm ùn tắc giao thông và giảm được 2/37 điểm.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chỉ đạo Công an, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tăng cường công tác thanh kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông. Tập trung xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, như: dừng, đỗ xe, chuyển hướng, tránh, vượt sai quy định, vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều... Kiên quyết kỷ luật những cán bộ, chiến sĩ không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc xử lý vi phạm không đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh việc xử phạt "nguội" qua hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn thủ đô.
Theo thống kê, tốc độ gia tăng trung bình hàng năm của ôtô là 10,2%, xe máy là 6,7% (Công an Hà Nội đang quản lý 6,39 triệu phương tiện, gồm: 693.672 ôtô; 5.568.686 môtô, 134.092 xe máy điện, 202 xe xích lô và 88 ôtô điện). Trong khi đó, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của thành phố chỉ ở mức bình quân 3,9%, diện tích đất dành cho giao thông còn thấp, mới đạt khoảng 8,6%-8,9% đất xây dựng đô thị.
"Sự phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông cá nhân với kết cấu hạ tầng giao thông cùng với ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao dẫn đến ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của thủ đô" - lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh.
Thừa nhận mạng lưới vận tải hành khách công cộng được điều chỉnh phù hợp và mở rộng nhưng vẫn còn hạn chế, chất lượng dịch vụ mặc dù đã được cải thiện, lãnh đạo Hà Nội cho rằng, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mới đưa vào khai thác sử dụng một tuyến buýt nhanh-BRT01 (Kim Mã-Bến xe Yên Nghĩa). Các tuyến đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.
Đặc biệt, công tác di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai chậm, chưa đồng bộ. Đến nay, các Bộ ngành chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung tối đa nguồn lực triển khai đầu tư cho khu vực đô thị trung tâm từ vành đai 4 trở vào, cơ bản kép kín các tuyến đường vành đai, hoàn thành hệ thống cầu vượt sông Hồng và một số trục đường hướng tâm, đường trục chính đô thị chủ yếu…
Đối với hệ thống giao thông tĩnh, thành phố hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác sử dụng 4 bến xe khách liên tỉnh (Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh), 6 bãi đỗ xe ngầm khu vực trong vành đai 3 và một số bãi đỗ xe ngầm, nổi và cao tầng khác trên địa bàn tành phố theo quy hoạch…
Ngoài các giải pháp mang tính chủ động, Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi, hoàn thiện và báo cáo Chính phủ, Quốc hội các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quản lý phương tiện giao thông đường bộ, như ban hành quy định an toàn kỹ thuật giao thông đường bộ và ô nhiễm môi trường đối với các loại phương tiện giao thông đường bộ. Quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát chất lượng xe máy hoạt động trên địa bàn thành phố; quy định quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy. Bổ sung quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để đưa vào quản lý đối với xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh...
Đặc biệt, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan xây dựng và báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quy định về đăng ký xe, trong đó phải có tài khoản được mở tại ngân hàng và có giấy phép lái xe phù hợp để khấu trừ vào tài khoản ngân hàng đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được xử lý bằng hình thức phạt "nguội".
Mạnh Đỗ
Nguồn: http://petrotimes.vn/tang-cuong-phat-nguoi-mua-oto-phai-co-tai-khoan-ngan-hang-507031.html