“Ở đâu năm cửa ô chàng ơi
Sông Nhị Hà mấy khúc nước chảy xuôi một dòng”
(Ca dao xưa)
Câu ca dao trên đã nhắc tới 5 cửa ô nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa đó là ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Đống Mác, ô Chợ Dừa và ô Quan Chưởng. Nhưng chỉ có duy nhất Ô Quan Chưởng vẫn còn trường tồn với thời gian cho đến ngày nay và mang nhiều dấu ấn lịch sử của kinh thành cũ.
Kinh thành Thăng Long xưa là một đô thị sầm uất, là kinh đô của nước ta dưới các triều đại khác nhau vì vậy hệ thống thành lũy, các công trình lăng tẩm, đền đài rất nhiều và có quy mô khá lớn. Trải qua bao biến cố lịch sử và thời gian, những dấu tích của một kinh đô xưa đã bị phá hủy gần hết, chỉ còn lại một số công trình tiêu biểu, trong đó có Ô Quan Chưởng.
Ô Quan Chưởng còn được biết đến với cái tên Ô Đông Hà, được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông (1749), nằm ở phía Đông của kinh thành Thăng Long, cách bến sông Hồng xưa chỉ khoảng 80 mét nên thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán từ các vùng khác với kinh thành. Tên gọi Ô Quan Chưởng là để tưởng nhớ công lao và sự hi sinh cao cả của một viên quan Chưởng Cơ đã cùng 100 binh lính nhà Nguyễn quyết tâm chiến đấu chống quân Pháp đến cùng khi chúng tấn công Hà Nội ngày 20/11/1873 qua cửa ô Đông Hà.
Theo tài liệu trên tạp chí Xưa & Nay (số 76, tháng 6 năm 2006), sau khi chiếm được Hà Nội, thực dân Pháp đã cho phá hết các cửa ô cùng với các con đê để mở rộng thành phố, cũng như phá bỏ cả thành cổ Hà Nội. Nhưng riêng ô Đông Hà có sự đấu tranh quyết liệt không chịu ký tên vào tờ trình xin phép phá cửa ô của dân chúng và cai tổng tổng Đồng Xuân Đào Đăng Chiểu nên cửa ô vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.
Đến ngày nay, Ô Quan Chưởng vẫn còn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu của nó. Cửa ô này được thiết kế theo lối kiến trúc đặc trưng của nhà Nguyễn thời bấy giờ – kiểu vọng lâu với cửa chính ở giữa và 2 cửa phụ 2 bên. Cổng cao 3m, vọng lâu với kiểu mái uốn cong được đặt trên tầng 2, có lan can bao quanh. Trên tường phía trái cửa chính có một tấm bia đá ghi lệnh cấm người canh gác cửa ô không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881. Giữa phía trên cổng chính và dưới vọng lâu có đề ba chữ Hán lớn Đông Hà Môn.
Nguyên liệu xây dựng lên Ô Quan Chưởng là gạch vồ và đá có kích thước lớn, giống với loại gạch xây tường ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Gạch vồ là nguyên liệu chính để xây lên Ô Quan Chưởng (Ảnh: Sưu tầm)
Dự án bảo tồn Ô Quan Chưởng được thực hiện vào năm 2009 với tổng số kinh phí lên tới 74.500 USD đã góp phần gìn giữ các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của của ô duy nhất còn lại của kinh thành Thăng Long xưa.
Ô Quan Chưởng được tu sửa lại vào năm 2009 (Ảnh: Sưu tầm)
Ngày nay, Ô Quan Chưởng nằm trên ngã tư Hàng Chiếu – Đào Duy Từ, vẫn hiên ngang giữa lòng phố cổ Hà Nội như một bằng chứng sống cho tinh thần đấu tranh kiên cường của nhân dân ta. Tuy không còn giữ nguyên được nét cổ kính ngày nào nhưng Ô Quan Chưởng vẫn luôn là biểu tượng của kinh thành xưa cũ, không chỉ mang vẻ đẹp về mặt kiến trúc mà còn mang đậm ý nghĩa về mặt lịch sử về thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nguồn: Vntrip
ĐẶT XE TRỰC TIẾP ĐI NỘI BÀI CLICK VÀO ĐÂY --> TAXI SÂN BAY