Thuỵ Khuê - con phố có nhiều cổng làng nhất Thủ đô bao năm rồi vẫn còn giữ được nét độc đáo của văn hóa làng quê. Đi đâu xa có dịp trở lại, người ta vẫn thấy xao xuyến mỗi khi bước qua cổng làng. Kẻ ngoài đi vào làng phải tôn trọng nếp làng, tập quán, phong tục và "nhập gia phải tuỳ tục"
Hà Nội có 36 phố phường, có những chiều Hồ Tây trong vắt, có cả những ngày ẩm ương không thể hiểu nổi. Cơ mà tiết trời đang vào thu, Hà Nội đẹp lạ lùng, kể cả những con đường thân quen mọi ngày vẫn đi qua. Hà Nội là bản giao hưởng giữa nét đẹp cổ kính và dáng vẻ hiện đại. Bên ngoài vỏ bọc thị thành chở che cho một tâm hồn hoài niệm, rêu phong bên trong. Nhiều khi sự hối hả của cuộc sống khiến chúng ta không nhận ra được bằng cảm quan thông thường.
Giữa không gian ồn ào, hối hả ấy, có một con đường được mệnh danh là "phố" cổng làng. Cứ đi vài chục mét, đan xen giữa những căn nhà hiện đại lại điểm vài cổng làng rêu phong. Các bậc cao nhân sống lâu năm tại đây cũng không nhớ rõ từ đời thuở nào, chắc có lẽ là lâu lắm rồi, Thuỵ Khuê luôn gắn mình với hình ảnh những chiếc cổng làng cổ kính và nhiều hoài niệm.
Cổng làng Yên Thái số 562 Thụy Khuê. Làng Yên Thái vốn nổi tiếng với nghề làm giấy dó. Cổng được treo 4 chữ vàng "Mỹ Tục Khả Phong" do triều đình Tự Đức thứ 19 (1867) ban.
Phố "cổng làng" Thuỵ Khuê
Thuỵ Khuê là con đường có nhiều cổng làng nhất Hà Nội. Nơi đây thuộc địa phận của quận Tây Hồ, là con phố dài chạy song song với bờ Nam của Hồ Tây. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử, Thuỵ Khuê dù nép mình giữa nhịp sống hiện đại vẫn phảng phất phong vị của ngày xưa.
Ghé thăm con phố này vào một chiều đầu thu Hà Nội, nét cổ kính vương vấn trên những công trình mang đậm văn hoá Việt Nam như níu chân người lữ khách.
Thuỵ Khuê có gì? Đình chùa miếu mạo, vài căn nhà từ trăm năm trước và đặc biệt là chục cái cổng làng truyền thống nằm xen kẽ giữa nhịp sống hiện đại.
Cổng làng ở Thuỵ Khuê rất "lạ". Bởi lẽ không cổng nào giống cổng nào từ kích thước đến kiến trúc. Mỗi cổng mang một dáng vẻ riêng, không thể hoà lẫn. Trải qua cả hàng thế kỉ, có những cánh cổng được tôn tạo trùng thu, nhưng cũng có những chứng nhân lịch sử bao nhiêu năm rồi vẫn như thế: cổ kỹ, rêu phong và phai màu theo thời gian.
Đi ngược từ phố Thuỵ Khuê từ phía Tây trở về Đông, những chiếc cổng làng đầu tiên "hớp hồn" lữ khách liên tiếp xuất hiện bên tay trái. Nên nhớ, cổng làng đều nằm bên dãy nhà số chẵn. Bởi lẽ, con phố tiếp giáp với bờ Nam Hồ Tây, tất cả cổng làng được dựng lên đều xuất phát từ những làng nghề ven Hồ Tây.
Mỗi cổng làng đều mang đậm dấu ấn xưa cũ với đôi câu đối bằng chữ Nho được khắc tạc hai bên, với những gốc cây muỗm, cây bồ đề có từ bao giờ, thêm cả những mái đình, sân chơi. Từ ngày xưa, dân làng đã đặt những tên gọi thân thuộc mà ngắn gọn, nào cổng Giếng, cổng Hầu, cổng Chùa, cổng Đông, cổng Cái, cổng Xanh… Phía sau mỗi cổng làng vẫn còn đó cư dân của một ngôi làng bao nhiêu năm nay vẫn sinh sống.
Mỗi cánh cổng làng trước đây đều có bánh xe, nhưng sau khi trùng tu, cải tạo những chiếc bánh đều đã biến mất, chỉ sót lại mỗi nét cũ kỹ, cổ kính.
Ngay bên trong cổng làng có hàng nước trà đá vỉa hè, có phiên chợ cóc mở mỗi sáng, có sân đình lũ nhỏ í ới gọi nhau, có cả hội bô lão tranh nhau từng quân cờ. Người ta bảo nhau, dù hàng trăm hàng vạn thứ có thể đổi thay, nhưng riêng nếp sinh hoạt phía sau cổng làng vẫn vẹn nguyên từ ngàn năm trước. Họ - dân làng, đều rất hồn hậu, chất phác và thong thả. Nhịp sống nơi đây bình yên và phẳng lặng.
Một trong những ngôi làng nổi bật nhất ở Thuỵ Khuê là làng Yên Thái với con đường lát gạch nghiêng dài gần 300 mét. Điều đáng trân trọng là, qua nhiều lần phải đào xới phục vụ cho việc cải tạo lại hệ thống điện, nước nhưng dân làng hết sức bảo vệ nguyên trạng con đường đã hơn trăm tuổi này.
Hiện nay, tư liệu về làng Yên Thái, về cổng làng đã bị mai một. Nhắc về làng Yên Thái, người ta nhớ mãi nơi đây nổi tiếng làm giấy dó - loại dành để tiến cử triều đình, nhớ đến cả những câu ca dao nổi tiếng. "Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ". Nhịp chày Yên Thái chính là nhịp chày giã dó của làng làm giấy dó Yên Thái ngày xưa.
Sau mỗi chiếc cổng làng vươn ra nằm ở mặt phố là những cổng ngõ. Bước chân vào ngôi làng Yên Thái, không biết bao nhiêu là cổng ngõ. Cổng ngõ tuy nhỏ hơn khá nhiều so với cổng làng nhưng nó vẫn có mặt để xác định ranh giới của những xóm, thôn khác nhau.
Cổng làng tại ngõ 514 Thuỵ Khuê. Phía đầu ngõ trở thành nơi buôn bán nhỏ của dân làng. Cổng làng nhộn nhịp mỗi ngày khi người qua kẻ lại tấp nập.
Cổng Hầu dẫn vào làng An Thọ, một ngôi làng truyền thống xưa trông khá hiện đại. Dân làng mở quán cóc bán nước vỉa hè. Trong hình là một người phụ nữ về làm dâu làng An Thọ đã gần 20 năm.
Sự tích cổng làng
Theo như lời các bậc cao niên sống ở con phố Thuỵ Khuê, trước đây tất cả các cổng làng đều có cánh. Cánh cổng được mở ra vào những buổi sớm mai, đánh dấu sự bắt đầu của một ngày mới, và nó lại được cửa đóng then cài mỗi khi trời về khuya. Do ở lại với thời gian quá lâu, những chiếc cổng làng bị xuống cấp.
Cho đến nay, nhiều cổng làng đã được bảo quản, trùng tu và tôn tạo. Cổng Hầu được trùng tu năm 1998, cổng làng Hồ Khẩu được trùng tu đúng giá trị nguyên gốc, cũng thành nơi họp chợ vào mỗi buổi sáng. Những cái cổng với rất nhiều ý nghĩa như vậy, tuy lâu nay chưa từng được xếp hạng di tích nhưng nó vẫn luôn được xếp hạng một cách vô thức trong lòng người dân nơi đây.
Trong sách về cổng làng của Vũ Duy Huân từng mô tả: "Cổng làng ngày mở ra đêm khép lại để ngăn ngừa cướp bóc. Đêm trong cổng có điếm canh lập loè ánh sáng bùi nhùi. Có giá đựng giáo, mã tấu, sừng trâu đen bóng làm tù và. Đêm đêm, đám tuần phiên đến đây nhận việc, cắt cử nhau bảo vệ làng".
Dù cuộc sống hối hả nhưng nhịp thời gian sau cánh cổng làng vẫn luôn "trễ" hơn mấy nhịp. Mọi thứ bình yên và phẳng lặng.
Theo tư liệu để lại, trước đây người làng Yên Thái không chỉ nổi tiếng làm giấy dó, mà còn chứa đựng biết bao dấu tích. Làng có mấy cổng đi lại, ngoài cổng chính của làng là cổng Giếng, còn có hai cổng phụ là cổng Hầu, cổng Canh (cổng Xanh). Sở dĩ có tên cổng Hầu là bởi, ngay ở cổng vào làng có nhiều bậc quan lại, trí sĩ. Những vị quan hay chữ một thời, nay về nghỉ lập dinh tại đây, họ thường tự hào về tài học. Do đó, ở cổng Hầu có đôi câu đối: Tô Thuỷ tuần hoàn văn phái viễn/ Lý thành tả trĩ bút phong cao (dịch nghĩa là: Dòng Tô Lịch đưa văn phái toả xa/ Thành nhà Lý sánh cao cùng sức bút).
Ngày trước, cách cổng Hầu không xa là nhà một vị quan có tiếng của triều đình, người đầu tiên của làng đỗ đạt. Chính vì thế mà làng trọng vọng, xây nhà lầu gác tía cho quan, cử người canh gác. Người dân có việc đến nhờ vả chầu chực đợi giờ vào hầu quan rậm rịch đêm ngày.
Cụ Đăng Văn Tuân (82 tuổi) - bậc cao niên trong làng Yên Thái tấm tắc nhớ lại những câu chuyện từ ngày xưa gắn với cổng làng. Cụ kể, làng này gắn với sự tích từ thời nhà Lý về vợ chồng ông Dầu bà Dầu cứu vua nhà Lý bị đau mắt.
"Thời đó sứ giả đi phát loa thông báo, rằng ở đất này có 2 con sông Thiên Phù với sông Tô Lịch chuẩn bị bị quỷ dữ phá vỡ. Chính chúng làm cho vua nhà Lý bị đau mắt. Theo lời nhà bói, triều đình buộc phải lấp 2 con sông đấy đi, vua mới khỏi đau mắt. Ông Dầu bà Dầu vì cứu vua bị ép nhảy xuống sông chết. Thời bấy giờ nhà vua mới chiếu chỉ mấy hộ dân về đây trông nom đền thờ ông Dầu bà Dầu rồi dựng nghề làm giấy dó. Đây vốn là đất con rùa, phải lùi cổng làng vào 3 mét, dân làng mới có thể làm ăn được. Từ đó làm giấy dó phát triển" - cụ Tuân nhớ lại.
Từ xưa, cổng làng là một biểu tượng về quyền uy của làng. Nhiều cổng làng không có cánh cổng, nhưng người ra kẻ vào vẫn có cái cảm giác bước qua cổng làng, tức là đi vào một thế giới của những người sống cùng nhau phía sau cổng ấy. Họ phải làm sao cho xứng đáng người ngôi làng. Và kẻ ngoài đi vào làng phải tôn trọng nếp làng, tập quán, phong tục. Dân làng gọi đó là, "nhập gia phải tuỳ tục".
Cổng làng Hồ có diện tích lớn nhất so với các cổng khác trên con phố Thụy Khuê. Trước đây, cổng chính của làng Hồ chỉ được mở vào ngày hội còn hiện nay, cổng làng mở quanh năm.
Cụ Bích (85 tuổi) ngồi chơi ngay hàng nước lối vào cổng làng Yên Thái. Cụ nói, cổng làng ngày trước sẽ đóng vào mỗi 9h tối để đảm bảo an ninh trật tự. Cụ không rõ cổng có từ bao giờ, có thể từ 200 đến 300 năm trước. Chỉ biết từ khi còn bé và giờ đã là gần hết cả cuộc đời, cụ nhớ mãi về chiếc cổng ngay lối vào nhà mình.
"Thời xưa các cụ không thích nhà ở mặt đường, nhất là với các cụ có chức sắc, nên mới cho xây cổng làng để ngăn cách với con đường. Cổng Canh được đặt tên đối với cổng Hầu, ý là những người được phong tước cao nhất triều đình (Công, Hầu, Khanh, Tướng). Các cụ ngày xưa rất uyên thâm, hiểu biết, họ đặt tên cổng đều có những ý nghĩa nhất định, không chỉ đơn thuần là cổng có nhiệm vụ canh gác" - cụ Bích kể.
Cụ Đỗ Ngọc Lâm (87 tuổi) nói rằng, dưới triều phong kiến có nhiều thời kỳ loạn lạc, quyền lực của trung ương chỉ đảm bảo an ninh đến huyện, phủ. Xuống đến làng xã dân phải tự bảo vệ mình nên mới sinh ra cái cổng. Cổng làng là một kiến trúc không thể thiếu trong đời sống văn hóa làng xã nước ta xưa kia. Khi bước qua cổng là bước vào một không gian văn hóa riêng, với những quy ước và tập quán riêng khiến khách lạ bất giác tự thấy mình phải có nghĩa vụ tìm hiểu để hành xử cho hài hòa, thích ứng. Làng bao giờ cũng có hai cổng.
Cổng làng đã trở thành một phần của cuộc sống hiện đại.
Sau ngày giải phóng Thủ đô, tháng 10/1954, chiếc cổng làng không còn chức năng bảo vệ sự xâm nhập từ bên ngoài. Thế nhưng, người Thuỵ Khuê nặng lòng hoài cổ vẫn quan tâm bảo tồn hình hài nguyên thủy của nó. Qua bao nhiêu lần tu bổ, tôn tạo, những chiếc cổng nơi đây vẫn mang dáng vẻ bề thế của một công trình phòng thủ như thuở xưa. Cổng vẫn là cổng tam quan, gồm một lối đi chính ở giữa, hai bên có lối đi phụ. Các cổng đều xây cuốn tò vò, trên có mái che.
Có cổng làng đã biến mất hoàn toàn, âu cũng vì theo năm tháng mà xuống cấp buộc phải tự diệt. Có cổng làng không còn cánh, nhưng người xưa từng nói, dẫu sao bước qua lối vào làng cũng phải biết cách "nhập gia tuỳ tục".
Thời nay, đô thị hóa đã len lỏi từng ngõ ngách làng quê Thuỵ Khuê. Những chiếc cổng làng xưa không còn hợp với con đường bê tông mở rộng, ngày ngày ô tô, xe máy nối đuôi nhau. Nhưng dân làng chả mấy ai quan tâm đến sự khác lạ đó. Với họ, cổng làng vẫn luôn giữ một vị trí nhất định trong tiềm thức. Vẫn sẽ là những ngày xưa kia sáng sớm đôi cánh mở ra và chiều tối nhẹ nhàng khép lại.
Con phố có nhiều cổng làng nhất Thủ đô bao năm rồi vẫn còn giữ được nét độc đáo của văn hóa làng quê. Đi đâu xa có dịp trở lại, người ta vẫn thấy xao xuyến làm sao mỗi khi đưa chân bước qua cổng làng.
Thế mới nói, có những người thương và yêu Hà Nội chỉ vì những nét đơn sơ, mộc mạc như vậy đó.
Nguồn: http://kenh14.vn/chuyen-ve-mot-con-pho-co-nhieu-cong-lang-nhat-ha-noi-dua-chan-qua-cong-phai-ton-trong-nep-lang-20180914082741381.chn