Đánh thức tiềm năng bản thân với lối tư duy “self-doubt”

Đánh thức tiềm năng bản thân với lối tư duy “self-doubt”

13/12/2019

Mục lục

“Để khai thác cách tư duy “self-doubt” (tạm dịch: tự nghi ngờ bản thân), chúng ta cần dựa vào năng lực hoặc sự tự tin của chúng ta về cơ hội thành công trong tương lai. Và chúng ta có thể cải thiện năng lực của chính mình thông qua một việc mà hầu hết chúng ta chắc đã từng làm: tự nói chuyện với chính mình”, trích lời nhà văn Rich Karlgaard. 

Chúng ta đang sống trong một xã hội nơi mọi người bị ám ảnh bởi việc thành đạt sớm, nhưng đâu có ai trở thành nhà vô địch ở ngay vạch xuất phát được đâu. Điều đó rất đúng với Rich Karlgaard . Sau khi nhận tấm bằng đại học loại trung bình và trước khi tự đánh thức được động lực bên trong chính con người mình để vươn lên, ông đã làm công việc rửa chén, gác cổng và vài công việc thời vụ khác. Nhờ những kinh nghiệm làm việc này, ông đã gây dựng nên một tạp chí công nghệ ở Thung lũng Silicon, và cuối cùng,trở thành nhà xuất bản của Forbes. Ông đã mất rất nhiều năm nghiên cứu và đã phỏng vấn nhiều người để tìm hiểu lý do tại sao một số người trong chúng ta lại thành công muộn hơn số còn lại và làm thế nào để tất cả chúng ta có thể phát huy hết tiềm năng của mình. Dưới đây là bài viết của ông về cách sử dụng lối tư duy “self-doubt” để đánh thức sức mạnh tiềm tàng bên trong mỗi con người.

Hầu hết chúng ta đều tự nghi hoặc quá nhiều về cuộc sống của mình. Nhưng đối với late bloomers (những bông hoa nở muộn - những người thành công muộn), sự nghi ngờ này có vẻ lớn hơn một chút. Lỗ hổng trong nhận thức của con người là lúc mới đầu, họ luôn đánh giá thấp khả năng và đóng góp của mình, điều này gây ra nhiều cảm xúc khó chịu, từ hoảng loạn đến tê liệt và bối rối. Nhưng thiệt hại về lâu về dài thậm chí còn tồi tệ hơn. Ngoài ra, sự tự nghi ngờ có thể ngăn chúng ta nhận thức được hết tiềm năng bên trong. Đó là tin cực xấu. 

Nhưng tin tốt là sự tự nghi ngờ cũng là một vũ khí bí mật giúp ta thành công (nghe hơi kỳ quặc  nhỉ). Nếu áp dụng đúng cách, tư duy “self-doubt” có thể giúp chống lại sự tự mãn, đồng thời cải thiện hiệu suất công việc. Nó hướng ta đến việc tự đặt ra câu hỏi về kết quả công việc, kiểm tra kỹ lưỡng các chiến lược mới và sẵn sàng tìm ra các cách khác nhau để giải quyết vấn đề - các chiến thuật có mối tương quan sâu sắc với những thế mạnh của late bloomers (ví dụ như sự hiếu kỳ và khả năng phục hồi tốt). Nhưng tự nghi ngờ không chỉ là một chất xúc tác để tăng cường hiệu suất, đó cũng là một công thức để biến chúng ta trở thành một nhà lãnh đạo, một người thầy/ cô, bậc làm cha mẹ và người bạn khôn ngoan hơn Bởi nhờ sự tự nghi ngờ mà chúng ta trở nên từ bi hơn và có cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân và cũng như mọi người xung quanh. Vấn đề ở chỗ, nhiều người đã phản ứng với sự nghi ngờ bản thân này bằng cách tự phá bỏ đi cơ hội thành công.

“Chìa khóa để áp dụng hợp lý tư duy “self-doubt” chính là giá trị cốt lõi của sự tự tin”

Khi thảo luận về “self-doubt”, chúng ta thường được khuyên hãy làm điều ngược lại với nó: tự tin hơn, kiên định hơn, thậm chí liều lĩnh hơn. Nhưng làm thế nào để trở nên tự tin thì đó là cả một vấn đề. Thông thường, chúng ta luôn cố gắng để giành được sự tự tôn cao bằng cách khá rẻ tiền thế này: tìm cách dìm những người khác xuống hoặc so bì với những người yếu kém hơn ở xung quanh. Chúng ta tuân thủ các chuẩn mực văn hóa, tin vào những giá trị xã hội tức là tin vào những gì chúng ta coi trọng, và cách xã hội mà định nghĩa “thành công” chính là cách chúng ta sẽ thành công. Còn những mánh khóe rẻ tiền này thật sự không bền vững đâu, bởi chúng dễ khiến tự ái (khi tâm trạng vẫn còn tốt) và trầm cảm (khi tâm trạng không thể tồi tệ hơn).

Tự nghi ngờ là hết sức bình thường. Thật sai lầm khi nghĩ rằng bất kỳ ai trong chúng ta phải một mình đối mặt với vấn đề này. Các nhạc sĩ nổi tiếng, các bác sĩ phẫu thuật não cừ khôi trên khắp thế giới và thậm chí là những người thành đạt nhất và sáng tạo nhất cũng không tránh khỏi cảm giác sợ hãi dai dẳng này. Cố tác giả Maya Angelou từng thú nhận: “Tôi đã viết 11 cuốn sách, nhưng lần nào tôi cũng nghĩ rằng, 'Độc giả sẽ sớm phát hiện ra ngay thôi. Mình và họ chỉ đang chơi một trò chơi, và họ sẽ tìm ra ngay thôi' “.

 

Để thành công, chúng ta không nên sợ tự nghi ngờ mà phải nắm lấy nó như một cơ hội trời ban để phát triển năng lực của mình. Chìa khóa để khai thác sự nghi ngờ bản thân bắt đầu từ giá cốt lõi của sự tự tin - cái mà các nhà tâm lý học gọi là tính tự tin.

“Tự tin là phẩm chất tốt, bởi vì ngoài việc hết lòng tin tưởng vào kết quả sẽ đạt được, chúng ta không có nhiều động lực để bắt đầu lại từ đầu”

Albert Bandura là người khổng lồ trong lĩnh vực tâm lý học. Năm 2002, Bandura, người đã đạt được vị thế xuất chúng nhờ các lý thuyết về Self-efficacy (tạm dịch: tự tin trong nhận thức), được Tạp chí Review of General Psychology xếp hạng 4 trong số những nhà tâm lý học quan trọng nhất thế kỷ 20. Những người xếp hạng trong top 3 gồm có BF Skinner, Jean Piaget và Sigmund Freud.

Bandura sinh năm 1925, tại một thị trấn nhỏ trên vùng đồng bằng lộng gió của bang Alberta, Canada. Ông đi học sớm và ngôi trường của ông khi ấy chỉ có hai giáo viên. Vì nguồn lực có hạn nên ông vẫn dặn sinh viên phải tự chịu trách nhiệm về việc học của chính họ. Từ lúc còn trẻ, Bandura đã nhận ra rằng trong khi nội dung của sách giáo khoa sẽ sớm trở nên lỗi thời, nhưng kỹ năng tự định hướng tốt sẽ giúp đỡ ta suốt cuộc đời này. Và nhờ sự độc lập từ sớm ấy, ông đã hoàn thành xuất sắc luận án về tầm quan trọng của nội lực của sự nhận thức.

Bandura tốt nghiệp Đại học British Columbia chỉ trong vòng ba năm. Sau khi nhận bằng tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Iowa, năm 1953, ông đã được mời vào giảng dạy tại Đại học Stanford và làm việc ở đó cho đến nay. Bài viết năm 1977 của ông “Self-efficacy: Toward a unifying theory of behavioral change” (tạm dịch: Tự tin trong nhận thức: Hướng tới một lý thuyết thống nhất về thay đổi hành vi), đã gây ra một sự thay đổi lớn trong lĩnh vực tâm lý học. Kể từ đó, sự độc lập trong tư tưởng đã trở thành một trong những chủ đề được nghiên cứu nhiều nhất.

Bandura đã xác định sự tự tin trong nhận thức là sự tự tin vào khả năng của một người trong việc phát triển các chiến lược và hoàn thành các nhiệm vụ cần thiết để thành công trong các nỗ lực khác nhau. Tự tin là phẩm chất tốt, bởi vì ngoài việc hết lòng tin tưởng vào kết quả sẽ đạt được, chúng ta không có nhiều động lực để bắt đầu lại từ đầu hoặc kiên trì khi đối mặt với thử thách.

“Mặc dù chúng ta vẫn cảm thấy nghi ngờ bản thân ngay cả khi công việc đạt hiệu quả cao, chúng ta sẽ thấy rằng mình có thể nhận ra năng lực của chính mình”

Trong vài thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu được thực hiện theo cả chiều dọc lẫn chiều sâu đã chứng minh rằng năng lực tự nhận thức cao có ảnh hưởng tích cực đến tiền lương, sự hài lòng trong công việc và mức độ thành công trong sự nghiệp. Tại sao nó quan trọng như vậy? Tất cả chúng ta đều có thể xác định các mục tiêu mà chúng ta muốn thực hiện hoặc thói quen mà chúng ta muốn thay đổi, nhưng chúng ta đều biết việc hiện thực hóa các kế hoạch này không hề đơn giản. Bandura và những người khác đã nhận ra vai trò quan trọng của năng lực tự nhận thức trong cách chúng ta tiếp cận các mục tiêu và thách thức. Điều này đặc biệt đúng đối với late bloomers. 

Do nỗi ám ảnh của xã hội đối với việc thành công nhanh chóng, late bloomers thường bị từ chối vì hai lý do chính liên quan ý thức mạnh mẽ về năng lực bản thân: bề dày kinh nghiệm và mô hình xã hội. Để có kinh nghiệm dày dặn, ta phải hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ hoặc mục tiêu đề ra, chẳng hạn như hoàn thành tốt một khóa học hoặc vượt qua bài kiểm tra, trở nên “pro” một môn thể thao nào đó hoặc cầm chắc suất được nhận việc sau phỏng vấn. Late bloomers thường có ít kinh nghiệm hơn một số khác, vì vậy họ không được xã hội hoan nghênh - cái sẽ giúp họ ngày một hoàn thiện hơn. Thứ hai, về mô hình xã hội, đó là khi chúng ta thấy những người tương tự như mình thành công, từ đó ta có niềm tin rằng mình cũng sở hữu những khả năng vượt trội nào đó. Tuy nhiên, những câu chuyện thành công của những late bloomers không thu hút được nhiều sự chú ý, thay vào đó, hầu hết mọi người tập trung sự chú ý quá mức vào những người tài năng và cớ tham vọng thành đạt sớm.

Mặc dù chúng ta vẫn cảm thấy nghi ngờ bản thân ngay cả khi công việc đạt hiệu quả cao, chúng ta sẽ thấy rằng mình có thể nhận ra năng lực của chính mình. Niềm tin này là nền tảng của việc chuyển sự nghi ngờ bản thân thành động lực và thông tin hữu ích.

“Tự trò chuyện với chính mình định hình mối quan hệ của chúng ta với chính bản thân chúng ta, cho phép chúng ta nhìn mọi thứ một cách khách quan hơn.”

Chúng ta có thể cải thiện năng lực bản thân thông qua việc mà hầu hết chúng ta đã từng làm: Tự trò chuyện. Tất cả chúng ta đều từng tự trò chuyện với bản thân trong nhiều tình huống, cả tốt lẫn xấu. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần của chúng ta, là nhà phê bình nội tâm của chúng ta. Các nhà tâm lý học và các nhà nghiên cứu gọi đây là “độc thoại nội tâm”. Sự khách quan có thể mang lại lợi ích to lớn cho những late bloomers, giúp họ vượt qua những thông điệp tiêu cực từ phía gia đình, bạn bè và xã hội.

Độc thoại nội tâm và mối quan hệ của nó với năng lực bản thân đã trở thành một chủ đề nghiên cứu đầy hứng thú đối với các nhà tâm lý học thể thao. Nhà nghiên cứu Antonis Hatzigeorgiadis và nhóm của ông tại Đại học Thessaly, Hy Lạp đã nghiên cứu những người chơi bóng nước và cách mà phương pháp độc thoại ảnh hưởng đến khả năng ném bóng của họ xét về độ chính xác và cự ly ném. Những người chơi sử dụng phương pháp độc thoại đã có sự cải thiện đáng kể xét về cả 2 yếu tố trên, và nghiên cứu còn cho thấy rằng phương pháp độc thoại làm tăng đáng kể cả hiệu quả lẫn hiệu suất công việc. Nó cũng khẳng định tiền đề của Bandura rằng việc cải thiện năng lực bản thân có liên quan đến sự cải thiện hiệu suất.

Sức mạnh của độc thoại nội tâm đã được thể hiện một cách thuyết phục trong các lĩnh vực phi thể thao như quản lý, tư vấn, tâm lý học, giáo dục và giao tiếp. Trong các nghiên cứu, nó đã được chứng minh là cải thiện hiệu quả và hiệu suất của bản thân trong các nhiệm vụ từ ném phi tiêu và bóng mềm cho đến tăng bước nhảy thẳng đứng.

“Bằng cách sử dụng cái nhìn khách quan, chúng ta xem bản thân mình như một cá thể riêng biệt, cho phép chúng ta đưa ra lời khuyên khách quan hơn.”

Cách chúng ta đề cập đến bản thân trong lúc độc thoại cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Ethan Kross , giám đốc Phòng thí nghiệm Tự kiểm soát và Cảm xúc,Đại học Michigan, đã phát hiện ra rằng những người trò chuyện với chính họ như với một người khác (sử dụng tên riêng của họ hoặc đại từ “you”) giải quyết các tình huống căng thẳng tốt hơn những người sử dụng đại từ “I”.

Trong một nghiên cứu, Kross đã gây ra căng thẳng cho những người tham gia bằng cách nói với họ rằng họ chỉ có năm phút để chuẩn bị phát biểu trước một hội đồng thẩm định. Một nửa số người tham gia được yêu cầu cố gắng làm dịu sự lo lắng của họ bằng cách sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất để tự vấn bản thân “Why am I so scared?” (Tại sao tôi lại sợ như vậy?), và số còn lại sẽ sử dụng tên riêng của mình hoặc ngôi “you” để tự hỏi “Why is Kathy so scared?”/ “Why are you so scared?” (Tại sao Kathy sợ như vậy?/ Tại sao bạn sợ như vậy?). Sau đó, người tham gia được yêu cầu ước tính mức độ xấu hổ mà họ trải qua. Những người đã sử dụng tên riêng của họ hoặc ngôi “you” không chỉ có sự xấu hổ ít hơn đáng kể so với những người còn lại mà bài của họ cũng được đánh giá là tự tin và thuyết phục hơn. 

Theo Kross, khi mọi người nghĩ mình là người khác, thì điều đó cho phép họ tự đưa ra phản hồi khách quan, hữu ích. Đây là vì họ đã nhìn vào bản thân từ góc nhìn của người thứ ba. Một trong những lý do chính khiến chúng ta có thể tư vấn cho người khác về một vấn đề là vì chúng ta không bị cuốn hút vào những vấn đề đó, Kross giải thích. Chúng ta có thể suy nghĩ rõ ràng hơn vì chúng ta tự giữ mình lánh xa khỏi những trải nghiệm của bản thân. Bằng cách sử dụng lối độc thoại khách quan, chúng ta xem bản thân như một người riêng biệt, cho phép chúng ta đưa ra lời khuyên khách quan hơn.

Lần tới khi bạn cảm thấy khó chịu và cần một cuộc nói chuyện đầy động lực, hãy cân nhắc đến việc độc thoại (nhưng ở góc độ khách quan). Điều này có thể giúp bạn nhìn nhận tình huống từ góc độ logic, khách quan thay vì dựa vào tình cảm thiên vị.

Cảnh báo nhỏ. Khuyến khích phương pháp trò chuyện này không phải để trở thành một người lạc quan, không ngừng tự cổ vũ. Mà nó dùng để tạo ra một sự quay vòng tích cực và mang tính xây dựng vào một tình huống; đó là một cách khác để tạo ra niềm tin và kỳ vọng không thực tế. Những thất bại và sai lầm không thể được gạt đi chỉ bằng một lời nói sáo rỗng. Thay vào đó, chúng cần những khoảnh khắc để suy ngẫm và tìm kiếm cơ hội trải nghiệm. Để có được những lợi ích lớn nhất từ việc độc thoại nội tâm - hoặc bất kỳ cách sử dụng lời nói để tự khích lệ nào - chúng ta cần phải hành động thực tế. 

Tác giả: Rich Karlgaard

Link bài gốc: Self-doubt can actually help you bloom — and it all starts with how you talk to yourself

Dịch giả: Nguyễn Thị Phương Uyên - ToMo - Learn Something New

ĐẶT XE TRỰC TIẾP ĐI NỘI BÀI CLICK VÀO ĐÂY --> TAXI SÂN BAY 

Bài viết liên quan

zalo
messenger