Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực ngành nghề, làm thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của con người. Các làng nghề truyền thống như làng gốm Bát Tràng cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Tiếp cận 4.0 có chọn lọc
Vừa bảo tồn giá trị truyền thống vừa bắt kịp xu thế mới của thị trường là bài toán mà các nghệ nhân Bát Tràng luôn đau đáu
“CMCN 4.0 và thương mại điện tử (TMĐT) là xu thế tất yếu, khi công nghệ đã tràn vào rồi mà ta không biết nắm bắt cơ hội, không phát triển kinh doanh trên đó thì chúng ta tụt hậu”. Đó là chia sẻ của nghệ nhân Bát Tràng Phùng Văn Hoàn, một nghệ nhân có 20 năm lăn lộn với nghề gốm sứ, khi nhìn nhận về cơ hội mà CMCN 4.0 đem lại cho làng nghề. Ông cho rằng đây là cơ hội rất tốt để làng nghề xóa bỏ tư duy ngại thay đổi và tiếp cận công nghệ 4.0 một cách có chọn lọc.
Có thể nhận thấy, công nghệ đã dần thay đổi cái nhìn và cách làm của người làm gốm Bát Tràng. Trước kia, đa số các hộ sản xuất ở Bát Tràng đều đốt lò nung gốm bằng củi, than, bây giờ hầu hết các cơ sở sản xuất đều áp dụng lò nung bằng khí gas. Việc sử dụng lò nung bằng khí gas sẽ giúp cho công việc sản xuất thuận lợi hơn lò truyền thống. Chẳng hạn như việc cập nhật thông tin áp suất khí gas, nhiệt độ lò hoặc sự cố bất thường… như vậy người thợ có thể dễ dàng điều chỉnh kịp thời để tránh những sự cố gây tổn thất cho sản xuất.
CMCN 4.0 tạo sức ép buộc làng nghề nói chung và làng nghề gốm sứ Bát Tràng nói riêng phải thay đổi tư duy và phương thức tiếp cận mới, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi. Bằng việc áp dụng công nghệ 4.0, các quy trình sản xuất giản đơn sẽ chuyển đổi từ lao động chân tay sang sử dụng máy móc tự động. Đây cũng là cơ hội để làng nghề tiếp cận với công nghệ thông minh, thiết bị hiện đại để cải thiện mẫu mã, chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.
Một trong những lợi ích nữa là ứng dụng 4.0 vào quản lý và TMĐT các sản phẩm gốm sứ sẽ giúp các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp trong làng nghề mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, góp phần nâng cao doanh thu và lợi nhuận. Đây cũng là cơ hội để làng nghề có điều kiện học hỏi tiếp thu các mô hình tổ chức sản xuất và quản trị tiên tiến.
Không thể phủ nhận những giá trị mà CMCN 4.0 mang lại cho thương hiệu gốm Bát Tràng
Tuy nhiên, nghệ nhân Phùng Văn Hoàn cho rằng, máy móc công nghệ rất hữu ích đối với sản xuất gốm sứ nhưng không thể đem công nghệ 4.0 thay thế hoàn toàn các công đoạn sản xuất gốm sứ thủ công.
Theo nghệ nhân lý giải, công nghệ sẽ hỗ trợ rất tốt cho các khâu dập phôi, in họa tiết, đốt lò…khi Bát Tràng sản xuất theo quy mô lớn, sản xuất hàng công nghiệp hàng loạt. Còn đối với các sản phẩm thuần thủ công, những sản phẩm yêu cầu phải có chất men ở một độ nhất định, việc áp dụng công nghệ sẽ phản tác dụng, làm mất đi giá trị độc đáo, giá trị nghệ thuật và hồn cốt của tác phẩm gốm sứ thủ công.
Công nghệ định giá trị thực cho sản phẩm
Công nghệ giúp rút ngắn công đoạn chế tác sản phẩm, TMĐT giúp gốm sứ Bát Tràng tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường. Điều đó đồng nghĩa, các cơ sở và doanh nghiệp gốm sứ Bát Tràng sẽ phải đối mặt với những rủi ro về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, sự cạnh tranh giá thành, thương hiệu…
4.0 "về làng" vừa mang lại lợi ích đồng thời cũng gây ra những bất cập, đòi hỏi người làm nghề không ngừng sáng tạo và phát triển
Chia sẻ vấn đề này, nghệ nhân Phùng Văn Hoàn tâm niệm: Trước kia, khi công nghệ vẫn chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ, những sản phẩm của tôi làm ra chỉ có thể trưng bày ở nhà. Hiện nay, các lò gốm của Bát Tràng đang sản xuất với tốc độ rất cao, nếu chúng ta không tiếp cận, quảng bá sản phẩm trên những kênh thông tin điện tử để sản phẩm đến với người tiêu dùng thì đó là tụt hậu.
Công nghệ 4.0 sẽ giúp các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp trong làng nghề mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, góp phần nâng cao doanh thu và lợi nhuận. Đây là cơ hội để giới thiệu các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng cho nhiều người, nhiều đối tượng, không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới.
Nhiều người biết đến sản phẩm, làng nghề thì đồng nghĩa với việc mẫu mã sản phẩm sẽ bị sao chép, dẫn đến tình trạng hàng thật hàng giả lẫn lộn. Nhưng đây cũng chính là đòn bẩy để thúc đẩy tinh thần sáng tạo không ngừng của người làm nghề, khẳng định thương hiệu gốm sứ Bát Tràng trên thị trường. “Điều cốt yếu là phải tạo dựng thương hiệu uy tín, gây dựng lòng tin cho khách hàng. Người làm TMĐT cũng phải có tâm và có tầm” – nghệ nhân Phùng Văn Hoàn chia sẻ.
Thời đại công nghệ phát triển, chỉ với một thiết bị điện tử trong tay, mọi người có thể tiếp cận với các sản phẩm một cách dễ dàng. Người nào tạo dựng được thương hiệu uy tín, chuẩn đúng thì sẽ thu hút được khách hàng và thành công. Và sự cạnh tranh khốc liệt của TMĐT sẽ giúp cho thị trường gốm sứ nói chung và gốm sứ Bát Tràng nói riêng tìm về đúng giá trị thật của sản phẩm. Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc cạnh tranh này.
Khi công nghệ 4.0 phát triển, TMĐT chính là con đường rộng mở đưa thương hiệu của Bát Tràng đi xa hơn. TMĐT chính là để người bán hàng làm thế nào để tạo dựng niềm tin cho khách hàng, chất lượng sản phẩm phải đạt như quảng cáo. Làm tốt hai việc đó, tương lai người tiêu dùng sẽ không cần đến Bát Tràng nữa vẫn có thể mua được sản phẩm của Bát Tràng với chất lượng cao - Ông Trần Dương Quý, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ trực tuyến BATO (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) cho hay.
Hướng tới tương lai một Bát Tràng phát triển mạnh mẽ, công nghệ 4.0 và TMĐT là sự động viên những người làm nghề đưa những sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng.Và nếu không muốn lỡ con tàu 4.0, làng nghề buộc phải làm cuộc cách mạng về góc tiếp cận và cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh mới.
(Theo congthuong.vn, 10/5/2019)