Từ xưa đến nay, ông bà ta vẫn luôn nuôi dạy con cái theo lối truyền thống, đó là "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Nhưng liệu quan niệm này có còn đúng trong xã hội hiện đại?
Đầu tuần này, dư luận được một phen xôn xao khi chồng mới của một cô ca sĩ nổi tiếng bị tố ngược đãi con riêng của vợ. Cụ thể, trong đoạn livestream phát trên trang cá nhân của cô ca sĩ kia, khi cậu bé con riêng không chịu nghe lời mẹ mà nghịch ngợm, người chồng đã nhanh chóng cấu và kéo tay bé xuống dưới bàn. Chưa kể, cư dân mạng còn tìm ra một đoạn clip khác cho thấy bé trai khóc lóc kêu "Ba đánh con", nhưng người mẹ lại vội vàng bịt mồm con rồi dỗ dành như không có gì xảy ra.
Vụ việc nghiêm trọng tới mức hàng loạt người nổi tiếng phải lên tiếng, phản đối có, nói đỡ cũng có. Người ngoài cuộc thì chia làm 2 phe: một bên cho rằng dù con hư đến đâu cũng không nên dạy dỗ bé bằng cách "động chân động tay", bên còn lại thì bảo đôi khi phải dùng đến đòn roi thì những bé lì lợm mới nghe lời.
Dùng đòn roi có thực sự hiệu quả?
Bao lâu nay, cha mẹ và thầy cô thỉnh thoảng vẫn dùng đòn roi để dạy dỗ trẻ nhỏ. Họ nghĩ rằng chỉ có những biện pháp mạnh như vậy mới có thể răn đe con trẻ. Có người còn dẫn chứng rằng, những đứa trẻ bị đánh sau này lớn lên đều rất ngoan ngoãn và giỏi giang.
Tuy nhiên, một báo cáo được công bố năm 2016, dựa trên 250 công trình nghiên cứu khác nhau, đã cho thấy các tác hại khôn lường mà việc trừng phạt thân thể đem lại cho trẻ.
Hung hăng, cục súc hơn
Trẻ em bị đánh thường sẽ trở nên cục súc hơn với bạn bè đồng trang lứa, bạo lực hơn trong các mối quan hệ, sẵn sàng bắt nạt người khác, thậm chí là chống đối lại cha mẹ.
Các nhà nghiên cứu đến từ ĐH Tulane đã tìm ra bằng chứng cho thấy những đứa trẻ bị đánh thường xuyên từ khi lên 3 tuổi sẽ có biểu hiện hung hăng hơn khi lên 5 so với những đứa trẻ không bị đánh.
Nếu trẻ lớn lên với suy nghĩ rằng bạo lực là cách tốt nhất để đạt được điều mình muốn, chúng sẽ bắt chước hành vi này.
Gia tăng hành vi sai trái
Theo bà Sandra Graham-Bermann thuộc Phòng thí nghiệm Bạo lực trẻ em và Chấn thương, ĐH Michigan, dùng đòn roi để phạt có thể khiến trẻ tạm thời ngoan ngoãn, nhưng về lâu dài sẽ làm chúng hư dần.
Trên thực tế, nhiều người tin rằng trẻ em bị đánh đòn sẽ có các hành vi xấu trong tương lai như bắt nạt, nói dối, gian lận, bỏ nhà, trốn học, thậm chí là phạm tội.
Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần
Bị phạt bằng đòn roi không chỉ để lại nỗi đau thể xác mà còn cả nỗi đau tinh thần cho con. Thậm chí, điều này còn có thể dẫn tới các rối loạn hành vi, rối loạn lo âu, trầm cảm, ý nghĩ tự tử, nghiện rượu và thuốc, tự ti và sự bất ổn về cảm xúc.
Nhiều nhà nghiên cứu đã quan sát được những thay đổi trong não bộ khi trẻ bị đánh thường xuyên (1 lần/tháng trong suốt 3 năm).
Những đứa trẻ này có ít chất xám trong vỏ não trước trán hơn và có nguy cơ phải đối mặt với căn bệnh trầm cảm hoặc các chứng rối loạn sức khỏe khác.
Suy giảm khả năng nhận thức
Sự thay đổi trong chất xám có thể ảnh hưởng tới IQ của trẻ, khả năng quyết định và khả năng xử lý thông tin. Một vài nghiên cứu cũng chỉ ra, những đứa trẻ hay bị đánh đòn thường không tốt nghiệp đại học. Chúng cũng không mấy khi có sự nghiệp thành công.
Làm sao để dạy trẻ một cách an toàn?
Theo các chuyên gia, cha mẹ nên dạy trẻ bằng những phương pháp tiên tiến hơn dưới đây.
Tăng cường giao tiếp bằng lời nói
Cha mẹ nên quan tâm, trò chuyện cởi mở với con cái từ bé để chúng được phát triển trí thông minh về mặt cảm xúc.
Đây là kỹ năng giúp con nhận biết, điều khiển và bộc lộ cảm xúc một cách tích cực, cho phép trẻ vượt qua được khó khăn và thiết lập những mối quan hệ bền vững trong suốt cuộc đời.
Cho con thấy hậu quả hiện tại
Chỉ cho con thấy cụ thể điều gì sẽ xảy ra nếu chúng không ngoan. Ví dụ, khi trẻ ném đồ chơi, hãy giải thích cho chúng rằng đồ chơi có thể hỏng và điều đó sẽ khiến chúng buồn ra sao.
Tước đi các đặc quyền
Hãy nói với con của bạn rằng, nếu không hợp tác, chúng sẽ phải từ bỏ thứ gì đó, chẳng hạn như đồ chơi.
Học viên Nhi khoa Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn cho các phụ huynh có ý định sử dụng phương pháp này, bao gồm:
- Không lấy đi thứ trẻ thực sự cần, ví dụ như bữa ăn.
- Chọn một thứ đồ có giá trị lớn với trẻ, liên quan tới hành vi sai trái của trẻ.
- Đối với trẻ em dưới 7 tuổi, phương pháp tước đặc quyền sẽ có hiệu quả nhất khi được thực hiện ngay.
- Phải giữ lời với con.
Dừng mọi hoạt động của trẻ
Mục đích của phương pháp này là để tách trẻ em ra khỏi những hành vi sai trái và cho chúng thời gian bĩnh tĩnh lại. Nó đặc biệt có hiệu quả trong trường hợp con bạn đã vi phạm một quy định nào đó. Cách này thường được áp dụng với trẻ từ 2-5 tuổi, nhưng cha mẹ có thể dùng trong suốt thời thơ ấu của con.
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, bạn nên:
- Đặt ra luật lệ trước, giải thích cho con hành động nào sẽ bị phạt theo cách này.
- Chọn một địa điểm nhất định để con ngồi ngẫm nghĩ, không có thứ gì gây xao nhãng.
- Giải thích lý do của phương pháp này, nói cho trẻ biết chúng cần làm gì trong khoảng thời gian này, cho trẻ thấy hành vi của chúng đã tác động bạn ra sao.
- Đặt giới hạn thời gian dựa trên số tuổi. Thông thường, số phút sẽ tương tương ứng với số tuổi của trẻ.
- Cho phép trẻ tiếp tục hoạt động khi hết giờ, không chì chiết sai lầm của trẻ.
Áp dụng chánh niệm
Hãy tạo một góc yên tĩnh trong ngôi nhà của bạn để trẻ có thể ngồi suy ngẫm về hành vi của mình
Dạy con như thế nào là chuyện của mỗi một gia đình, không ai có quyền can thiệp. Tuy nhiên, trước khi bạn giơ tay lên đánh con, hãy nghĩ về những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài mà điều đó gây ra cho trẻ. Hãy nhớ rằng, hành động của bạn hôm nay sẽ quyết định tương lai của thế hệ mai sau.