Bi kịch của những đứa trẻ thế hệ Z

Bi kịch của những đứa trẻ thế hệ Z

22/11/2019

Mục lục

Những đứa trẻ thế hệ Z được sinh từ khoảng giữa những năm 1990 cho đến giữa những năm 2000. Do tiếp cận với Internet từ nhỏ, thế hệ Z có xu hướng rất nhạy bén và hiểu biết về công nghệ cũng như các phương tiện truyền thông xã hội. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội và sự đầy đủ về vật chất, những đứa trẻ thế hệ Z phần lớn được bố mẹ nuôi dạy với một mục tiêu mạnh mẽ là trở thành những đứa trẻ thành công và hạnh phúc.

Tuy nhiên, “mong muốn con cái được hạnh phúc” rất dễ khiến cha mẹ lạc hướng và thực tế là hầu hết chúng ta đã vô tình (hoặc cố tình) hiểu sai về nhu cầu “hạnh phúc” của con cái mình. Các cuộc khảo sát của Unicef và WHO dựa trên các yếu tố đánh giá như môi trường, giáo dục và hành vi… để xếp hạng “những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới” đã chỉ ra rằng, những điều cơ bản nhất mang đến hạnh phúc cho trẻ nhỏ là bố mẹ của chúng hạnh phúc, được dành nhiều thời gian chăm sóc, được ăn sáng và ăn tối cùng gia đình và thường xuyên vui chơi, vận động ngoài thiên nhiên. Thế nhưng, thực tế là những đứa trẻ thế hệ Z đang được nuôi dạy như thế nào?

Có một sự thật đáng sợ mà con cái chúng ta - những đứa trẻ thế hệ Z đang phải đối mặt, đó là sự cô đơn, sự bùng nổ cảm xúc tiêu cực (ít kiên nhẫn hơn, mất kiểm soát về hành vi, căng thẳng, dễ tổn thương), thiếu thốn các kỹ năng xã hội trong khi luôn tham vọng chiếm lĩnh mọi thứ, những điều mà chúng ta ít thấy ở các thế hệ trước. Chúng đòi hỏi nhiều hơn nhưng lại hành động ít hơn. Là thế hệ được đầu tư nhiều tiền bạc vào các chương trình giáo dục hiện đại nhưng chúng vật lộn với việc học và mất dần hứng thú với việc đến trường. Chúng muốn làm nhiều hơn nữa nhưng lại gặp vấn đề với khả năng tập trung. Đó là sự thật và nó hiện hữu rõ ràng hơn lúc nào hết.

Tại sao? Chuyện kỳ cục gì đang xảy ra vậy?

Những đứa trẻ thế hệ Z đang dành quá nhiều thời gian để ngồi trước màn hình các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, iPad, máy tính... mà cha mẹ cung cấp để làm phần thưởng, để chúng ăn ngoan hơn, giữ yên lặng và không làm phiền. Công nghệ và các thiết bị thông minh đang đánh cắp vô số thời gian dành cho việc đọc sách, trò chuyện và vận động ngoài trời của những đứa trẻ, nó đồng thời làm giảm thời gian duy trì sự tập trung, khiến trẻ hình thành thói quen cần phải được đáp ứng ngay khi chúng đòi hỏi, và từ đó khiến trẻ phải đối diện với những thách thức ở trường cũng như ở nhà. Trẻ mất khả năng tập trung vào mọi việc và không thể chú ý lắng nghe, bởi vì chúng quen với việc xem mọi thứ theo một cách hấp dẫn, nhanh chóng, hứng thú. Chúng sẽ gặp vô vàn khó khăn khi bước vào thế giới thực tại sau khi đắm chìm trong thế giới ảo của riêng mình. 

Câu chuyện về một cậu bé chơi game tại nhà được kể trên trang web Tâm lý học Ngày nay (psychologyToday.com) như sau: “Sau một tiếng chơi game trên thiết bị điện tử cầm tay, não bộ và tâm lý của cậu bé trở nên quá khích và bị kích thích quá mức - như trên lửa! Hệ thống thần kinh chuyển sang trạng thái hưng phấn cao và duy trì liên tục ở mức độ đó khi cậu bé phải xử lý các tình huống của cuộc sống xung quanh. Nhịp tim tăng, huyết áp tăng - cậu bé sẵn sàng chiến đấu. Trò chơi điện tử khiến mắt cậu bé duy trì ở vị trí cố định và liên tiếp gửi tín hiệu kích thích. Đó là ban ngày, luôn luôn là ban ngày, không có khái niệm giờ đi ngủ! Cậu bé sẵn sàng để chiến đấu”. Khi chị cậu bé đến và cầm lấy thiết bị chơi game, cậu bé hét lên và lao vào phòng mình trong trạng thái bị kích động cao. Người mẹ chạy theo và yêu cầu cậu bé cất máy chơi game để sẵn sàng đi ngủ - điều này càng khiến cậu bé giận dữ cả về hành vi lẫn cảm xúc. Cậu bé đang bị tước bỏ khỏi thế giới ảo đầy vui nhộn và bị đẩy lại thế giới thực tại chán ngắt. Trẻ nhỏ đơn giản là không thể thích nghi ngay được với những thay đổi như vậy.” Câu chuyện để nhắc nhở và cảnh báo các cha mẹ hãy suy nghĩ trước khi trao cho con bất cứ thiết bị điện tử nào.

Cha mẹ ngày nay quá bận rộn, và để khỏa lấp cho sự thật rằng chúng ta không có đủ thời gian và năng lượng để ở bên con cái và thực sự vui chơi với chúng, chúng ta cố gắng tìm mọi cách để giúp những đứa trẻ luôn bận rộn, luôn vui vẻ và không có lý do gì để mà buồn chán. Chúng ta nghĩ ngay đến việc đưa cho con một cái máy tính bảng, điện thoại thông minh, tai nghe nhạc, các khóa học ngoài giờ, các lớp học nghệ thuật, các sự kiện dành cho trẻ nhỏ… Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đang dần tước đi quyền và năng lực tự giải trí, tìm kiếm giải pháp và sáng tạo cũng như quyền được buồn chán để tái tạo cảm hứng của những đứa trẻ.

Cứ thế, chúng ta dần dần dành ít thời gian chất lượng hơn với các con, ung dung và thoải mái để trẻ ở đó với các thiết bị, các khóa học trong khi chính mình cũng bận rộn tập trung vào thiết bị điện tử và những mối bận tâm riêng của mình. Đó không bao giờ là thời gian chất lượng! Bởi vì, chúng ta đang không kết nối với trẻ, chúng ta đang khiến con cái phụ thuộc vào các thiết bị điện tử để giúp bản thân thoát khỏi sự buồn chán, khiến chúng quên đi cách tự tiêu khiển bản thân, hoặc đơn giản là cách để cho tâm trí tĩnh lặng và trống rỗng.

“Những gia đình quá tập trung cho con cái tạo ra những phụ huynh mệt mỏi và căng thẳng, và những đứa con hay đòi hỏi, cái gì cũng muốn sở hữu. Cha mẹ ngày nay tỏ ra luôn sẵn sàng hi sinh cuộc đời mình cho con cái. Hầu hết chúng ta đang tạo ra những gia đình tập trung vào con cái, khi mà lũ trẻ luôn có được sự ưu tiên hơn trong quỹ thời gian và năng lượng của chúng ta.” - tác giả Code của tờ Thời báo Phố Wall (Wall Street Journal) cho biết.

Còn Robin Berman - một tiến sỹ về giáo dục, tác giả cuốn sách gối đầu giường của nhiều bậc cha mẹ (Permission to Parent: How to Raise Your Child with Love and Limits) cho rằng, đây là cách mà các bậc cha mẹ ngày nay hành xử: Chúng ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho lũ trẻ. Chúng ta muốn trẻ vui, cảm thấy được yêu, chúng ta muốn nhìn thấy nụ cười của trẻ. Vậy nên, ngay khi có dấu hiệu đầu tiên về việc con cái không vui, chúng ta lao vào xử lý với suy nghĩ - sao phải bắt con mình chịu đựng khi thật dễ dàng để loại bỏ nỗi buồn. Hệ quả của việc bảo vệ con cái khỏi việc phải tự đối mặt với những thăng trầm trong cuộc sống là những hậu quả lâu dài, mà theo tiến sĩ Berman là bao gồm sự thiếu tự chủ, thiếu khả năng điều hòa cảm xúc, và đòi hỏi trong tương lai những mối quan hệ phụ thuộc.

Hãy nhớ một bí mật: Để có những đứa trẻ hạnh phúc, bạn phải dạy chúng cách chịu đựng và vượt qua cảm giác buồn bã, thất vọng, sụp đổ hay bất công thay vì cố gắng bảo vệ con cái khỏi những cảm xúc ấy. Trẻ cần phải biết cách nói chuyện với giáo viên về việc quên không làm bài tập về nhà. Trẻ cần phải biết rằng nếu chúng không giúp bố mẹ việc giặt giũ (hoặc không đặt quần áo vào nơi cần đặt), chúng sẽ không có bộ quần áo ưa thích để mặc vào ngày mà chúng muốn. Sẽ dễ dàng hơn nếu bạn để con mình thất bại với những việc nhỏ vào lúc này, thay vì thất bại khi chúng đã lớn với những hậu quả nghiêm trọng hơn.

Hãy thử nghĩ lại xem bạn có thể ở bên con trong bao nhiêu cột mốc quan trọng của cuộc đời chúng và bạn đã bỏ lỡ bao nhiêu cột mốc với quỹ thời gian luôn thiếu thốn của mình? Hãy thử nghĩ xem mỗi ngày các con được thỏa sức ngồi thật lâu bên bố mẹ để nhìn vào mắt nhau, nói những câu chuyện vu vơ hay chỉ đơn giản là lặng yên cùng ngắm nhìn một điều xinh đẹp nào đó bao nhiêu phút? Hay là mỗi ngày của chúng ta đều lặp đi lặp lại điệp khúc “Hôm mẹ bố mẹ bận lắm!”, “Nhanh lên!”, “Để lúc khác bố/ mẹ xem”, “Chờ bố/ mẹ một lát!”, “Con tự làm đi”…

Một khảo sát trên tạp chí American Journal of Preventive Medicine đã từng chỉ ra rằng thời gian trải nghiệm mạng xã hội có thể mang đến cảm giác thèm muốn điều người khác có và niềm tin vô lý rằng người khác đang có một cuộc sống hạnh phúc và thành công hơn mình. Trẻ em và trẻ tuổi vị thành niên hiện nay đang không có nhiều thời gian tương tác trực tiếp với bạn bè, thậm chí là với chính bố mẹ. Chúng ngày càng ít cùng nhau đi dạo hay vui chơi tập thể. Chúng đang không chơi trò chơi cùng nhau. Kết quả là chúng đang không học được cách đọc được cảm xúc của nhau hay tìm cách tương trợ nhau khi cần. Những kỹ năng xã hội này có giá trị rất lớn, và được chứng minh là chìa khóa mở ra một tương lai hứa hẹn cho mỗi cá nhân.

Làm cha mẹ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, trở thành cha mẹ của những đứa trẻ thế hệ Z càng mang đến cho bạn nhiều thách thức và những trở ngại. Có thể chúng ta đã mắc sai lầm, đã đi lạc cả một quãng đường dài, nhưng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại cuộc hành trình và tận hưởng những điều kì diệu mà những đứa trẻ mang đến cho cuộc sống của chúng ta.

Hãy bắt đầu bằng việc dành 15 phút mỗi ngày thực sự cho con, vứt bỏ mọi thiết bị điện tử, mọi phiền muộn cuộc sống và những deadline công việc chồng chất để chơi đùa, ôm ấp, thủ thỉ với con. Hãy nói chuyện với con nhiều hơn, nhìn vào mắt con lâu hơn và nắm tay con chặt hơn… Những điều nhỏ bé ấy sẽ tạo nên những ký ức tuyệt vời trong cuộc hành trình cùng nhau lớn lên của cha mẹ và con cái.

Hoài Anh
Tất Sỹ
HA
 
ĐẶT XE TRỰC TIẾP ĐI SÂN BAY CLICK VÀO ĐÂY --> TAXI SÂN BAY

Bài viết liên quan

zalo
messenger