Chuyện lái xe taxi Kent Nerburn

vietiep

Go For Future
Nhân viên
Chuyện lái taxi

Vừa tình cờ đọc được mẩu chuyện cảm động ý nghĩa, tôi dịch ra cho mọi người cùng ngẫm – chuyện có thật viết bởi Kent Nerburn khi ông còn làm nghề lái taxi nhiều năm trước.

Tôi đến nơi và bóp còi. Đợi thêm vài phút rồi lại còi nữa. Đây là chuyến cuối trong ca làm nên tôi nghĩ là sẽ bỏ đi. Thế nhưng tôi lại đậu xe, và đi tới cửa căn nhà và gõ cửa. “Đợi một chút”, giọng một người già, yếu ớt trả lời. Tôi có thể nghe thấy tiếng cái gì đó bị kéo lê trên sàn. Đợi thêm một lúc lâu, cánh cửa cũng mở. Một bà già nhỏ người, độ hơn 90 tuổi đứng trước mặt tôi. Bà mặc bộ đồ in hoa, đội mũ trông hệt như vừa bước ra từ một bộ phim từ những năm 1940s. Cạnh bà là một cái vali ni lông nhỏ. Căn hộ của bà trông như không ai đã sống ở đó trong nhiều năm. Đồ đạc đều phủ vải bọc. Trên tường không có đồng hồ, không có đồ nấu bếp trên bàn bếp. Trong góc nhà là một thùng các tông đầy khung ảnh và đồ thủy tinh. “Cậu có thể giúp tôi mang túi ra xe?” Bà hỏi. Tôi mang chiếc vali ra xe taxi, rồi quay trở lại giúp bà ra xe. Bà nắm lấy tay tôi và chúng tôi đi chậm rãi tới lề đường. Bà liên tục cám ơn tôi vì lòng tốt. Tôi nói “không có vấn đề gì đâu, tôi chỉ cố gắng cư xử với khách hàng của tôi như cách mà tôi muốn mẹ tôi được đối xử”. “Cậu thật là một đứa con ngoan”, bà nói. Khi chúng tôi lên xe, bà già đưa cho tôi địa chỉ và hỏi “cậu có thể cho tôi đi qua trung tâm thành phố”? “Đó không phải là đường nhanh nhất”, tôi nhanh chóng trả lời. “Oh, không sao đâu, tôi không vội. Tôi đang đi tới hospice (nơi chăm sóc người ốm yếu sắp chết)”, bà già trả lời.

Tôi nhìn vào gương hậu. “Tôi không còn người thân nào”, giọng nhỏ nhẹ của bà tiếp tục “bác sĩ nói tôi chẳng còn nhiều thời gian”. Tôi yên lặng nhoài người ra tắt công tơ mét tính tiền. “Bà muốn tôi đưa đi theo đường nào?” tôi hỏi. 2 giờ tiếp sau đó, chúng tôi đi qua thành phố. Bà già chỉ cho tôi tòa nhà mà bà đã từng làm việc như một người gác thang máy. Chúng tôi đi qua khu mà bà và chồng đã từng sống khi họ mới cưới. Bà yêu cầu tôi dừng trước tòa nhà chứa đồ nội thất nơi trước kia là sàn nhảy mà bà đã từng nhảy khi còn con gái. Đôi lúc bà muốn tôi đi chậm lại trước một tòa nhà, hay một góc phố và ngồi nhìn chằm chằm vào bóng đêm mà không nói gì. Cho tới lúc trời bắt đầu hửng sáng bà đột ngột nói: “tôi mệt rồi, chúng ta đi thôi”.

Tôi lái trong im lặng đến địa chỉ mà bà đưa tôi lúc đầu. Đó là một tòa nhà thấp, nhỏ bé và liêu xiêu như nó vừa trải qua một trận ốm vậy. Hai người đàn ông ra đón ngay khi chúng tôi tấp vào lề. Họ rất cẩn thận và chăm chút để ý tới từng cử chỉ của bà. Chắc chắn họ đã mong đợi bà tới. “Tôi nợ cậu bao nhiêu”? Bà hỏi và với tay mở ví. “Không gì cả” tôi trả lời. “Cậu còn phải trang trải cuộc sống mà” bà nói. “Tôi còn các khách hàng khác” tôi trả lời. Gần như không nghĩ gì, tôi cúi xuống và ôm lấy bà. Bà ôm chặt tôi và nói “cậu đã cho bà già này một chút vui lòng, cám ơn cậu”. Tôi siết tay bà rồi rời đi trong ánh sớm bình minh. Phía sau lưng tôi có thể nghe tiếng cánh cửa đóng lại. Đó là tiếng đóng của một cuộc đời.

Tôi không bắt thêm khách nào nữa sau ca làm đó. Tôi lái xe trong vô định. Cả ngày hôm đó tôi gần như không nói gì với ai. Điều gì sẽ xảy ra nếu bà gặp một người lái taxi đang tức giận, hoặc ai đó không đủ kiên nhẫn chờ kết thúc ca làm? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi từ chối lái, hoặc chỉ bấm còi 1 lần rồi bỏ đi? Đã có bao nhiêu lần tôi đã bỏ lỡ những khoảnh khắc như vậy?

Chúng ta thường cho rằng cuộc đời của chúng ta xoay quanh những khoảnh khắc tuyệt vời. Nhưng những khoảnh khắc tuyệt vời thường đến bất ngờ không báo trước. Khi bà già ôm và nói với tôi rằng tôi đã mang lại cho bà một khoảnh khắc hạnh phúc, có thể tin rằng tôi đã được đặt trên cõi đời này với mục đích duy nhất là để lái xe đưa bà đi chuyến cuối cùng đó. Nghĩ lại, tôi thấy tôi chưa bao giờ làm được điều gì quan trọng hơn trong đời mình.

Trên đỉnh thác họng quỷ (Devil’s throat) - một trong các thác nước khổng lồ của thác Iguazu giữa Argentina và Brazil